Từ vụ xài thẻ 8,5 triệu bỗng dưng nợ gần 9 tỉ: Khách hàng coi chừng bị kiện

(PLO)- Một khách hàng mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng Eximbank, sau 11 năm không thanh toán phần dư nợ gốc 8,55 triệu đồng giờ đây phải gánh khoản gốc và lãi lên đến 8,33 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hai ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về “Công văn nhắc nợ quá hạn do Eximbank AMC gửi khách hàng”. Trong đó, văn bản yêu cầu khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh phải thanh toán cho Eximbank khoản nợ thẻ tín dụng gồm cả gốc và lãi lên tới trên 8,83 tỉ đồng, trong khi dư nợ gốc ban đầu của vị khách này chỉ có hơn 8,55 triệu đồng.

Gánh khoản nợ khủng có phải "oan"?

Liên quan đến mức chênh lệch giữa dư nợ gốc của thẻ tín dụng là 8,55 triệu đồng tại Eximbank, sau 11 năm liên tiếp khách hàng không trả nợ liền vọt lên 8,83 tỉ đồng, báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải – Đoàn Luật sư TP.HCM, chuyên gia tài chính ngân hàng để tìm hiểu xung quanh thắc mắc liệu ngân hàng có quyền tính lãi cao như vậy không?

Eximbank.jpeg
Khách hàng cần nắm rõ các quy định khi mở thẻ tín dụng. Ảnh minh hoạ.

Nói về vấn đề này, ông Hải nêu quan điểm: trước hết, phải hiểu rằng ngân hàng được quyền thỏa thuận lãi suất cho vay với khách hàng – trừ một số trường hợp được Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cụ thể đối với một vài lĩnh vực ưu tiên.

Điều này có nghĩa là ngân hàng hoàn toàn có quyền đưa ra lãi suất cao nhưng điều quan trọng là chẳng có ngân hàng nào lại chọn cách làm như vậy. Nếu đưa ra mức lãi suất cao “cắt cổ” tức là chính ngân hàng đang tự trói buộc hoạt động cho vay của mình.

Bởi nguồn lợi chính của ngân hàng là từ hoạt động tín dụng dựa trên vốn tự có và vốn huy động. Trong khi ngân hàng cứ liên tiếp huy động vốn của tổ chức và cá nhân, vẫn phải trả lãi đều đặn mà không thể cho vay ra vì lãi suất quá cao thì ngân hàng đó chỉ còn đường “chết”.

"Chính vì vậy, với bất cứ mục đích cho vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua nhà, tiêu dùng, dù vay bằng tín chấp hoặc thế chấp, ngân hàng cũng đều tính toán một mức lãi suất hợp lý, có tính cạnh tranh cao so với các ngân hàng khác.

Tất nhiên, đối với trường hợp hồ sơ tín dụng của khách hàng có điểm tín dụng thấp, ngân hàng sẽ cộng thêm lãi suất 1-3%/năm so với mặt bằng chung để đảm bảo khả năng thu hồi vốn được tốt hơn mà thôi" - Luật sư Hải nói.

Ngân hàng chủ động đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng

Tuy nhiên, ông Hải lưu ý lãi suất thẻ tín dụng luôn cao hơn các mức lãi suất cho vay thông thường. Bởi đây là hình thức cho vay tín chấp và cũng là trường hợp cấp tín dụng có mức độ rủi ro cao nhất của các ngân hàng.

Với các khoản nợ quá hạn, khách hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng là ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện.

Để kích cầu tiêu dùng, ngân hàng thường áp dụng chính sách miễn lãi từ 45-55 ngày. Sau thời gian miễn lãi, chủ thẻ không thanh toán dư nợ đúng hạn sẽ phải chịu lãi phạt cho toàn bộ số dư nợ.

"Với trường hợp cụ thể về khoản nợ mà khách hàng đang gặp phải tại Eximbank lên đến 8,83 tỉ đồng, dù dư nợ gốc chỉ khoảng 8,55 triệu đồng, tôi xin không đề cập tới. Bởi lẽ tôi không biết nội dung trao đổi cụ thể giữa khách hàng và ngân hàng, cũng không biết tại sao hai bên đã làm việc với nhau nhưng khách hàng vẫn không thanh toán cho ngân hàng...", ông Hải bày tỏ

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm xử lý các hồ sơ vay đã chuyển sang nợ xấu của ngân hàng thương mại, Luật sư Hải cho biết các khách hàng nào có thiện chí, sẵn sàng hợp tác để xử lý khoản nợ xấu của mình thì phía ngân hàng sẽ chủ động đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng.

Chẳng hạn, có khoản vay dù đã nợ quá hạn rất lâu nhưng ngân hàng chỉ thu gốc và tính lãi trong hạn (tức là lãi mà khách hàng thanh toán đúng hạn). Còn với lãi quá hạn (hay còn gọi là lãi phát sinh trên lãi) có thể sẽ được phía ngân hàng du di, bỏ qua hoặc chỉ thu một phần nào đó.

Ông Hải nói thêm: "Với các khoản nợ quá hạn, khách hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng là ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng họ ít khi áp dụng hình thức này mà thay vào đó, ngân hàng sẽ tạo điều kiện để khách hàng trả nợ.

Đồng thời, khi trường hợp này xảy ra, thông tin khoản nợ của khách hàng sẽ bị chuyển thành nợ xấu trên hệ thống CIC, bị cấm tham gia mọi khoản vay tại ngân hàng khác.

Do đó, khách hàng nên ưu tiên trả nợ tín dụng càng sớm càng tốt, tránh phải chịu những trách nhiệm pháp lý ảnh hưởng tới bản thân" - Luật sư Hải lưu ý.

Khi có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng, khách hàng nên cân nhắc phương án vay sao cho hợp lý. Điều này vừa giúp khách hàng tìm được hình thức vay với lãi suất phù hợp, vừa tránh được khoản vay rơi vào nợ xấu.

Luật sư Nguyễn Văn Hải

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm