Tủi thân cho nông dân Việt Nam

“Nhìn sang các chương trình trợ giá, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp ở các nước xuất khẩu gạo, thậm chí ngay tại nước chuyên nhập khẩu nông sản, mới thấy người nông dân Việt Nam - đất nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới lại thiệt thòi nhất thế giới”. GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM khi nói về chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo ở nước ta.

Nhà nước phải chủ động

GS Xuân cho hay nông dân Thái Lan đang bắt đầu bước vào vụ mùa thứ hai của chương trình trợ giá gạo năm 2012-2013. Dự kiến trong vụ mùa này, chính phủ Thái Lan sẽ chi 105 tỉ baht tương (đương 3,5 tỉ USD) để thu mua khoảng 7 triệu tấn gạo, tiếp tục thực hiện chương trình trợ giá gạo, bất chấp những tranh cãi liên quan tới việc tồn kho quá cao và phải bán lỗ. Phát biểu trước giới truyền thông, thủ tướng Thái Lan tuyên bố nông dân Thái Lan mong muốn chương trình này được tiếp tục duy trì, vì vậy Chính phủ phải có nghĩa vụ đáp lại mong muốn đó của người nông dân. Các cuộc thăm dò tại Thái Lan được công bố gần đây cũng cho thấy phần đông nông dân Thái Lan đều ủng hộ chương trình trợ giá gạo, cho rằng “chương trình này đang hoạt động tốt và cần được kéo dài”. 

“Chính phủ Ấn Độ cũng có chính sách xóa các khoản nợ trong nông nghiệp và hỗ trợ vốn cho nông dân. Nước này tăng cường mua dự trữ lúa gạo với mức giá ưu đãi nhằm tiêu thụ hết và giữ giá ổn định cho nông dân. Đặc biệt, nông dân trồng giống lúa đặc sản basmati của Ấn Độ còn được tài trợ phân bón, thuốc trừ sâu, năng lượng, hạt giống” - GS Xuân thông tin thêm.

Tủi thân cho nông dân Việt Nam ảnh 1

Các chuyên gia đều đánh giá chương trình thu mua gạo tạm trữ chưa có hiệu quả cao làm nông dân vẫn còn thiệt thòi. Trong ảnh: Thu mua lúa gạo nhập kho tại  Cần Thơ. Ảnh:HTD

Nhiều nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu đều có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, còn tài trợ về kỹ thuật, vật tư, máy móc, giống sản xuất nông sản cho từng hộ nông dân.

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích từ Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), ngay cả nước chuyên nhập khẩu gạo là Bangladesh cũng dự định tăng sức chứa kho dự trữ gạo quốc gia lên khoảng 3 triệu tấn vào năm 2020, tăng 76% so với sức chứa hiện tại là 1,7 triệu tấn. Năm 2014, Bangladesh dự định tăng sức chứa kho dự trữ gạo lên 1,9 triệu tấn và năm 2015 là 2 triệu tấn. Ngoài mục đích đảm bảo an ninh lương thực, chính phủ Bangladesh còn muốn luôn đảm bảo được mức thu nhập cao cho nông dân của mình, từ đó hướng đến mục tiêu trở thành một nước xuất khẩu gạo.

“Trong khi đó, ở nước ta, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo với mục đích đưa ra là tăng giá trong nước, đảm bảo nông dân có lãi nhưng thực tế mấy năm qua không hiệu quả. Đòi hỏi ta học Thái Lan thì được trả lời rằng nguồn lực ngân sách không đủ. Buộc DN mua giá cao cho nông dân thì họ bảo không thể với lý do đưa ra là còn phải kinh doanh, mua cao mà bán thấp thì lỗ. Khả năng điều hành của hiệp hội có giới hạn, Nhà nước bế tắc giải pháp, tất yếu nông dân phải chịu thiệt” - ông Bích nhận định.

Bàn tới bàn lui, vẫn như cũ

Rõ ràng “các nước trên thế giới, có nước mạnh về nông nghiệp, có nước mạnh về công nghiệp có nhưng chính sách họ đưa ra đều tương đồng về mục đích là giúp nông dân có thu nhập cao và bền vững. Còn ở nước ta, bộ, ngành, hiệp hội, DN bàn tới bàn lui mà chương trình tạm trữ vẫn y như cũ, người nông dân vụ nào cũng khổ vì giá thấp, lúa chất đống không bán được…” - GS Xuân bộc bạch.  

Các chuyên gia đều đánh giá chương trình thu mua gạo tạm trữ chưa có hiệu quả, lượng gạo tồn kho hiện khá lớn. Tình hình xuất khẩu gạo chậm lại do nguồn cung toàn cầu khá dồi dào, lượng xuất khẩu gạo Campuchia năm tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ, dự trữ gạo Ấn Độ cũng tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu không cao, Philippines vẫn tự tin về triển vọng tự cung gạo cho nhu cầu nội địa.

Theo GS Xuân, cùng một số vị chuyên gia khác, Việt Nam thiếu chính sách hỗ trợ tới tận tay người nông dân là do Nhà nước không mạnh dạn làm một hệ thống hỗ trợ, tài trợ cho nông nghiệp.

Ông phân tích: “Điển hình là cánh đồng mẫu lớn là mô hình tốt nhưng DN xuất khẩu hầu như không thực hiện, đa phần là DN thuốc bảo vệ thực vật liên kết với nông dân để bán thuốc. Kết quả lúa thu hoạch xong vẫn khó đầu ra. DN xuất khẩu chỉ làm khâu cuối cùng là thị trường cần loại gạo gì, tìm mua loại đó.

Nhìn ra thế giới, mô hình hợp tác xã ở Hàn Quốc, Nhật Bản rất đáng để học tập. Đó là hợp tác xã được xây dựng thực sự theo chuỗi giá trị, hoạt động bài bản gồm hướng dẫn kỹ thuật, tài chính, tiêu thụ, bảo hiểm mùa màng, nông sản, sinh mạng người nông dân… Bởi nếu sản xuất nhỏ lẻ, chậm ứng dụng khoa học kỹ thuật thì khi thị trường biến động, chi phí sản xuất tăng cao… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Gắn kết nông dân vào hợp tác xã là con đường ngắn nhất đưa nông nghiệp phát triển bền vững”.

Giá lúa khô Việt Nam vẫn đang giảm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hiện giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giảm 100 đồng/kg loại thường dao động 4.850-4.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.100-5.200 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu và thành phẩm cũng giảm 50-100 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.500-6.600 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.100-6.200 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì hiện khoảng 7.400-7.500 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.900-7.000 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Nông dân Thái Lan tăng thêm 6 tỉ USD thu nhập

Một tài liệu nghiên cứu của Ủy ban Chính sách gạo quốc gia Thái Lan vừa công bố về những lợi ích của người nông dân khi tham gia chương trình, có nói đã giúp tăng thêm thu nhập 184 tỉ baht (khoảng 6 tỉ USD) cho người nông dân. Chương trình cũng đã góp phần giảm nghèo cho khoảng 15-18 triệu nông dân nước này (khoảng 3,7 triệu hộ gia đình).

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm