Mới đây, TAND TP.HCM đã sửa bản án sơ thẩm của TAND quận 3, không cho bị cáo NPT được hưởng án treo về tội buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS).
Bị tội vì buôn bán thuốc lá lậu
Theo hồ sơ, tháng 11-2014, T. từng bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng cấm là thuốc lá nhập lậu. Tháng 5-2015, công an phát hiện tại tủ thuốc lá trên đường Trần Quốc Toản (phường 8, quận 3) của T. có chứa 187 bao thuốc lá điếu ngoại nhập các loại. Lần này, T. bị khởi tố về tội buôn bán hàng cấm do trước đó từng bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu.
Xử sơ thẩm, TAND quận 3 nhận định bị cáo buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng không lớn, thu lợi bất chính thấp, gây thiệt hại không lớn, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, có nơi cư trú rõ ràng, trong thời gian tại ngoại không vi phạm gì nên chỉ phạt T. sáu tháng tù treo.
Bản án này đã bị VKS quận 3 kháng nghị. Theo VKS, T. không có ý thức chấp hành pháp luật, đã bị xử phạt hành chính lại tiếp tục vi phạm nên tòa sơ thẩm cho T. được hưởng án treo là không nghiêm.
Tại phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM mới đây, luật sư của T. cho rằng việc T. bị xử phạt hành chính đã là yếu tố định tội cho lần vi phạm mới của T. nên không thể áp dụng tiền sự này để tăng nặng hình phạt cho bị cáo. Ngoài ra, hoàn cảnh bị cáo khó khăn nên cần được tòa phúc thẩm xem xét cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, HĐXX đồng tình với đại diện VKS là bị cáo đã bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, nay lại tiếp tục vi phạm, chứng tỏ bị cáo không biết ăn năn hối cải, không thể tự cải tạo nên không thuộc trường hợp được hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo).
Vụ khác, tháng 12-2014, TTNP từng bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng về hành vi vận chuyển thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Sau đó, P. lại buôn bán 440 bao thuốc lá nhập lậu nên bị khởi tố về tội buôn bán hàng cấm. Tháng 7-2015, TAND quận Thủ Đức đã phạt P. sáu tháng tù. Sau đó, P. kháng cáo xin hưởng án treo.
Tại phiên xử phúc thẩm gần đây của TAND TP.HCM, luật sư của P. cũng cho rằng việc P. bị xử phạt hành chính đã là yếu tố cấu thành tội phạm nên không thể coi đó là yếu tố để xác định bị cáo có nhân thân xấu như bản án sơ thẩm nhận định. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm vẫn bác kháng cáo xin hưởng án treo của P.
Hướng dẫn chưa hợp lý?
Ở cả hai vụ án, tòa phúc thẩm đều vận dụng đúng hướng dẫn trong Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khi không cho bị cáo hưởng án treo. Cụ thể, theo nghị quyết này, chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo trong trường hợp người phạm tội đã bị xử lý hành chính về hành vi có cùng tính chất với hành vi phạm tội lần này mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (lần vi phạm mới đã quá một năm kể từ ngày bị xử phạt hành chính - NV). Trong khi đó, các trường hợp trên đều bị xử phạt hành chính chưa quá một năm thì lại tiếp tục vi phạm (tình tiết định tội bắt buộc).
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên xem xét sửa đổi hướng dẫn này vì chưa hợp lý.
Theo hai luật sư Nguyễn Thành Công và Đặng Đức Trí (đều là thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM), một tình tiết đã là tình tiết định tội thì không thể tiếp tục áp dụng để xem xét trong việc quyết định hình phạt vì gây bất lợi cho bị cáo. Nếu tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” là tình tiết định tội thì khi quyết định hình phạt (bao gồm cả việc xét cho hưởng án treo hay không), tòa không được tiếp tục áp dụng tình tiết đó để xem xét nữa.
Một thẩm phán TAND TP.HCM cũng nhận xét: “Với các trường hợp mà tình tiết định tội là tình tiết “đã bị xử phạt hành chính”, nếu cứ cứng nhắc áp dụng hướng dẫn trong Nghị quyết 01/2013 thì các bị cáo sẽ không bao giờ được hưởng án treo cả”.
Một vụ hiếm hoi mà VKS, HĐXX linh hoạt Tháng 1-2012, TAB đã xây dựng hai công trình nhà không có giấy phép xây dựng trên đất của mình (huyện Bình Chánh) và bị xử phạt hành chính. Đến tháng 10-2012, B. tiếp tục xây sáu công trình nhà không phép để làm nhà trọ tại phần đất trên nên bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (Điều 270 BLHS). Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh nhận định vì không tuân thủ quy định của pháp luật nên B. cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Hơn nữa, bị cáo từng bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Từ đó, tòa phạt B. sáu tháng tù. B. kháng cáo xin hưởng án treo. Trong phiên xử phúc thẩm, đại diện VKS đã nêu ra bất hợp lý của Nghị quyết 01/2013. Theo đại diện VKS, với các trường hợp xây nhà không phép vì đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, dù bị cáo có nhân thân tốt, nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng nhiều tòa cấp quận, huyện vẫn không dám mạnh dạn cho bị cáo hưởng án treo vì vướng quy định tại Nghị quyết 01/2013. Cuối cùng, tòa phúc thẩm xét thấy bị cáo có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đã linh hoạt chấp nhận kháng cáo, phạt B. sáu tháng tù treo. |