Ngày 30-12, trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 74 năm thành lập ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2018), những người cựu chiến binh của Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 anh hùng đã về thăm lại chiến trường xưa.
Họ đã dâng hương tưởng nhớ những chiến sĩ đặc công của Tiểu đoàn hi sinh tại căn cứ du kích xã Thái Mỹ (20-6-1974) và 6 chiến sĩ hi sinh trong trận chiến vô cùng khốc liệt tại Gò Trung An (ngày 31-2-1973) của Đại đội 3.
Đoàn đã thắp nén hương tưởng niệm 5 chiến sĩ đặc công hi sinh tại căn cứ du kích xã Thái Mỹ. Ảnh: HL
Trên con đường trải nhựa đến căn cứ du kích xã Thái Mỹ, những năm tháng chiến đấu trên quê hương đất thép thành đồng Củ Chi như hiện ra mồn một trước mắt những con người còn ở lại.
Mặc dù chiến đấu trong điều kiện gian khổ, xa nhà, nhưng những người lính luôn vững tin và ấm lòng vì có sự bảo bọc, cưu mang như ruột thịt của người dân nơi đây. Thương tiếc sự hi sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công, người dân đã lập am tưởng nhớ, hương khói quanh năm anh linh các anh.
5 liệt sĩ được người dân lập am thờ hương khói quanh năm. Ảnh: HL
Rơm rớm nước mắt, bà Nguyễn Thị Tánh (60 tuổi) xúc động khi gặp lại những người chiến sĩ còn sống sót khi xưa trong Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4, nhất là ông Nguyễn Đình Môn, người đại đội trưởng Đại đội 3 mà bà đã khóc cạn nước mắt vì tưởng ông đã hi sinh.
Bà Tánh nhớ lại trận đánh ác liệt tại bót Vuông Lầu vào năm 1973, đồn giặc bị tiêu diệt nhưng quân ta cũng tổn thất không kém và quân số của đơn vị không đủ sức tải thương về căn cứ. Trong tình huống nguy cấp ấy, bà Tánh, một cô gái chỉ mới 16 tuổi, chưa hề ra vùng giải phóng lần nào đã nằng nặc xin ba cho đi cáng thương binh suốt đêm dù biết bom đạn, nguy hiểm cận kề.
Bà Tánh xúc động khi nhắc chuyện cũ. Ảnh: HL
Dù thời gian tiếp xúc ngắn ngủi nhưng trong lòng cô gái đã luôn lưu giữ hình ảnh của những chú bộ đội, đặc biệt là người đại đội trưởng nhanh nhẹn, chu đáo đã dẫn đường cho đoàn tải thương.
Về sau, trong trận đánh ác liệt xảy ra ở Gò Trung An vào năm 1974, người đại đội trưởng này đã bị địch bắn trọng thương và bắt giam. Nhiều người tưởng ông đã chết và chính ba của bà Tánh cũng nhầm và về thông báo cho con gái: “Chú Môn mà con đi tải thương cùng đã bị địch bắn chết” khiến bà khóc hết nước mắt.
Sau khi đất nước thống nhất, tình cờ bà đã gặp lại “chú Môn” và bất ngờ khi biết ông cũng đang tìm bà. “Sau giải phóng, tôi đi tìm lại đơn vị của chú Môn, ai cũng nói là đơn vị chết hết rồi. Tôi buồn quá, nghĩ chiến tranh không còn nhưng người cũng ra đi hết nên quyết định đi tu, ngày đêm cầu siêu cho các chú.
Đến năm 2011, ở xã tôi có người được chú Môn xây nhà tình thương, tôi qua chơi và linh tính mách bảo chú vẫn còn sống nên tôi xin số của người xây nhà cho bạn để nhờ tìm chú Môn. Không ngờ, đầu dây bên kia là chú Môn thật.
Chú Môn còn nhờ tôi tìm cô Nguyễn Minh Tánh giùm trước cả tôi mà tên thật của tôi là Nguyễn Thị Tánh, hèn chi bao năm nay chú tìm không ra. Minh Tánh là do chú thấy tôi thông minh, ý chí kiên cường nên đặt cho” , bà Tánh rưng rưng kể.
Bà Tánh với những người từng tải thương cùng ông Môn vui mừng khi gặp lại. Ảnh: HL
Thấy bà Tánh ở cực khổ trong chái nhà xập xệ lợp bằng ba tấm tranh, ông Môn đã vận động các đơn vị tài trợ giúp bà có mái nhà che nắng che mưa đàng hoàng hơn và nơi đây đồng thời cũng trở thành nơi lui tới thắp hương thường xuyên cho những người lính đặc công của Tiểu đoàn ông đã ngã xuống.
Chia tay căn cứ du kích xã Thái Mỹ, đoàn đã đến thắp nhang tưởng niệm 6 chiến sĩ đặc công đã hi sinh trong trận chiến không cân sức giữa ta và địch.
Ngày 31-12-1973, với 16 chiến sĩ của Đại đội 3 Tiểu đoàn đặc công Gia Định 3 và du kích C25 của địa phương đã tham gia trận chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh lui nhiều đợt phản công lấn chiếm của địch tại Gò Trung An với quân số của địch lên đến rất đông, hơn 500 tên, gồm vũ khí hỏa lực mạnh cùng máy bay trực thăng, pháo binh, xe bọc thép hòng tiêu diệt, đánh phá chốt của đơn vị ở đây.
Trận chiến đấu đã diễn ra suốt 12 tiếng đồng hồ làm chết 78 tên địch và bị thương nhiều tên khác, quân ta đã giữ được đất, bảo vệ được dân tại khu vực Gò Trung An nhưng có 6 chiến sĩ đặc công đã vĩnh viễn nằm lại.
Đoàn thắp nén hương tưởng niệm 6 chiến sĩ đặc công hi sinh tại Gò Trung An. Ảnh: HL
Tại đây, đoàn cũng xúc động khi gặp lại những người dân từng che chở, dám chấp nhận bị địch bắt bớ vẫn kiên trì bám trụ, mưu trí đưa từng chén gạo, nắm muối, gói thuốc...vượt vòng rào ấp chiến lược ra vùng giải phóng.
Cùng ngày, đoàn đã đến tham dự lễ trao nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh bà Nguyễn Thị Thượt, ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Bà Thượt nguyên là xã đội phó xã An Nhơn Tây, lãnh đạo 20 du kích nữ tham gia rất tích cực trong kháng chiến chống Mỹ và bị thương trong một trận càn của địch. Chồng bà cũng là liệt sĩ đã anh dũng hi sinh.
Bà Thượt xúc động cảm ơn tình cảm của đồng đội và các mạnh thường quân. Ảnh: HL
Trở về cuộc sống đời thường, bà vô cùng vất vả và luôn ao ước có một mái nhà che nắng che mưa đàng hoàng và là nơi sinh hoạt cho các đơn vị bộ đội, du kích thay cho mái nhà xập xệ, dột tứ bề.
Căn nhà có sự góp sức của các nhà tài trợ gồm Văn phòng Công chứng Nguyễn Thị Tạc, Văn phòng Công chứng Củ Chi, Văn phòng Công chứng quận 8.
Ngôi nhà khang trang hiện tại của bà Thượt. Ảnh: HL
Tại đây, ông Nguyễn Đình Môn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4 anh hùng, đã thay mặt đồng đội cảm ơn tấm lòng của những nhà tài trợ và đặc biệt là Công ty thuốc lá Sài Gòn đã tài trợ ở Củ Chi từ năm 2008 đến nay được hơn 30 nhà tình nghĩa ở xã An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung An...).