Tướng Đồng Sỹ Nguyên ưu đãi đặc biệt nhà thơ Phạm Tiến Duật

Nói về Trung tướng, ông dành cho tư lệnh đường Trường Sơn đánh giá ngắn gọn: Đó là một chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng và của dân tộc, vị tướng hậu cần lỗi lạc.

Quan tâm những chi tiết nhỏ nhất

Đề cập đến vai trò của tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông Bồng kể, vào năm 1961 chúng ta chỉ có 2 xe, từ năm 1962-1963 ta có vài chục xe, từ 1964-1965 ta đã có trên 1.000 xe. Nhưng chiến tranh ác liệt, ta thường xuyên bị đich đánh phá. Mùa đầu tiên, địch bắn cháy mất 48% tổ chức xe của ta, đến mùa sau 52% xe bị bắn cháy. Rồi thời kỳ cao điểm, ác liệt nhất năm 1967-1968, địch bắn cháy mất 68% xe của ta.

Lúc đó, có ý kiến của một lãnh đạo Chính phủ đề xuất chúng ta chuyển sang gùi thồ như giai đoạn đầu, tuy nhiên ý kiến của quân ủy, dù tổn thất đến đâu cũng phải tìm cách đẩy mạnh vận tải đường bộ, có như thế mới đảm bảo vận chuyển đủ cho chiến trường.

Cũng theo Đại tá Vũ Tang Bồng, trước năm 1965 chúng ta phòng là chính. Nhưng từ năm 1965 trở đi, khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh thì ông đề ra phương châm tác chiến tổ chức vận chuyển là: “Bám thùng, bám đường, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Để có được đánh giá này, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đến nhiều khu vực, kể cả trọng điểm khó khăn để nắm bắt tình hình.

Từ đó ông mới phát hiện được các binh trạm nằm sâu trong đường, các đơn vị pháo bảo vệ đường cũng ở sâu, các đơn vị công binh làm nhiệm vụ san lấp hố bom, mở đường cũng ở hơi xa, nên ông yêu cầu các đơn phải vị bám đường.

“Ông đi đến các binh trạm phải xem đời sống của anh em thế nào, lo đến những chi tiết như xà phòng, dầu gọi đầu”, Đại tá Vũ Tang Bồng kể.

Đại tá Vũ Tang Bồng xúc động khi kể lại những câu chuyện về tướng Đồng Sỹ Nguyên. 

 Mềm mỏng với nghệ sĩ, coi trọng sinh mạng lính

Không chỉ quan tâm đến anh em chiến sĩ, đặc biệt là những người lái xe, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đặc biệt quan tâm đến văn nghệ sĩ. Đại tá Vũ Tang Bồng cho hay, thời điểm đó nhà thơ chiến trường tiêu biểu của Trường Sơn là nhà thơ Phạm Tiến Duật, tính ông Duật nhiều khi cũng vô kỷ luật, đi không báo cáo. Khi biết được thông tin này, tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở.

“Biết nhà thơ Phạm Tiến Duật nghiện thuốc, ông chỉ đạo hậu cần mỗi tháng cấp cho Phạm Tiến Duật 1 túyp thuốc lá và 3 gói chè. Chính những sự quan tâm như thế đã tạo nên Phạm Tiến Duật và nhiều văn nghệ sĩ của Trường Sơn”, Đại tá Vũ Tang Bồng nói.

Cũng theo đại tá Bồng, thời điểm đó, chúng ta xây dựng được 2 sư đoàn ô tô vận tải mà lịch sử quân sự thế giới chưa có nước nào tổ chức được. Ông miêu tả, đội hình sư đoàn ô tô vận tải đi hành quân gồm khoảng 2.600 xe.

Trên đường chiến trường, trong bối cảnh chiến tranh, mỗi ô tô phải cách nhau ít nhất 25m, mỗi tiểu đội cách nhau 50m, mỗi trung đội cách nhau 100m, mỗi đại đội cách nhau 300m, mỗi tiểu đoàn cách nhau 500m…

Cứ như thế, đoàn vận chuyển kéo dài 700km, tức là gấp 5 lần quãng đường từ Hà Nội đi Hải Phòng. Để tổ chức được đội hình vận tải này, theo Đại tá Bồng, là nhờ vào tính toán, mưu lược thiên tài của vị Tư lệnh Trường Sơn khi ấy là Tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ, người được mệnh danh là nhà thơ của Trường Sơn, thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ. Ảnh tư liệu.

Nhiều lần chứng kiến sự hy sinh của lái xe trên chính cabin, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nghĩ ra cách trang bị áo giáp và mũ sắt cho các chiến sĩ, khi ngồi trong cabin họ cũng phải mặc. Bản thân ông, dù đi đâu cũng đội chiếc mũ sắt. “Chỉ có từ thời tướng Nguyên, các chiến sĩ lái xe mới được trang bị áo giáp và mũ sắt, những thứ này đều phải đặt từ nước ngoài về”, Đại tá Bồng cho biết.

Cùng với đó, ông cũng cho làm những tấm giáp bằng tre, nứa lắp vào trên nóc cabin và hai bên thành xe để chống bom bi, làm áo giáp cho xe để tránh sát thương cho các chiến sĩ.

Nhận xét về vị tư lệnh của đường Trường Sơn, Đại tá Vũ Tang Bồng tổng kết: Tướng Đồng Sỹ Nguyên to cao nhưng dễ gần, rất tình cảm, nhưng chấp hành mệnh lệnh cực nghiêm minh, luôn sáng tạo và phát huy sáng kiến, bao giờ ông cũng tranh thủ ý kiến của các đồng sự, tạo được sự đồng thuận cao.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.