Những tháng ngày khó khăn đến tột đỉnh
Ông Phan Hữu Đại, nguyên Đại tá Chính ủy Sư đoàn Ô tô cơ động vận tải 571, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn ô tô cơ động vận tải 571 trong cuốn Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh kể lại, những năm 1965, đó là khoảng thời gian khó khăn đến tột đỉnh. Ta thực hiện chủ trương chuyển phương thức vận tải chi viện miền Nam bằng gùi thồ, mang vác sang phương thức vận tải bằng ô tô.
Thế nhưng mới chuyển được vài tháng thì đế quốc Mỹ đã phát hiện được và cho máy bay rải chất độc hóa học làm trụi lá cây trên một vệt dài khoảng 600km, từ ngã ba Phi Hà nơi giáp ranh 3 nước Đông Dương đến ngã ba Lằng Khằng, nơi tiếp giáp đường 12 đi Ba Na Phào với đường 128.
“Suốt dọc Trường Sơn lúc bấy giờ, tuyến vận tải chi viện chiến lược bị lộ thiên, tạo điều kiện cho máy bay địch đuổi đánh đội hình xe mà không vấp phải sự chống trả nào. Hàng trăm xe bị đánh cháy rải rác khắp đường. Thêm vào đó, bộ đội trên tuyến có ý chí chiến đấu nhưng chưa hiểu biết kẻ địch, địa hình thời tiết, chưa được chuẩn bị cần thiết các mặt tư tưởng, chiến thuật, kỹ thuật”, ông Phan Hữu Đại kể lại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Trong bối cảnh đó, Tướng Đồng Sỹ Nguyên được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định điều vào làm Tư lệnh Đoàn 559, xây dựng tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam, đường Trường Sơn. Đầu tháng 1-1967, khi mới vào đến chiến trường được vài ngày, Tướng Đồng Sỹ Nguyên lập tức đi thị sát thực địa suốt 10 ngày.
Trở về sở chỉ huy, suốt mấy đêm ông trằn trọc suy ngẫm chỉ xoay quanh vấn đề tư tưởng chỉ đạo tác chiến, tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược.
Và rồi Tướng Nguyên nhận ra rằng, tất cả mọi người, trong đó có ông, những người làm nhiệm vụ chi viện chiến trường đang hiểu sai vấn đề, dẫn đến đánh giá địch-ta, xác định vị thế chiến trường, tư tưởng chỉ đạo, tổ chức lực lượng, phương thức tác chiến đều dưới tầm thực tế khách quan.
Bản báo cáo chiến lược
Khi nhận ra được cốt lõi của vấn đề, Tướng Nguyên ngồi viết báo cáo trọn một ngày. Bao nhiêu vấn đề ông nung nấu đang bị dồn nén trong những ngày đi thị sát chiến trường khiến ông viết liền một mạch và rõ ràng trên từng trang giấy không dấu vết sửa chữa. Theo đề nghị của ông, một cuộc hội nghị quân chính được triệu tập sau đó 2 ngày.
Tại hội nghị, Tướng Nguyên lần lượt trình bày các vấn đề về tuyến vận tải chi viện chiến lược, vấn đề đánh giá đúng địch, vấn đề thời tiết… Từng vấn đề được ông phác họa, lý giải một cách khoa học, đầy thuyết phục. Ông trình bày đến đâu, các đại biểu đều thấy bức xúc và mới lạ đến đó, giống như Đại tá Phan Hữu Đại nhận xét:
“Vấn đề đánh giá đúng địch mà tướng Đồng Sỹ Nguyên trình bày giống như một luồng gió mới thổi bùng lòng tin, ý chí dám đương đầu và đứng vững trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh ngăn chặn của địch”.
Từ bản báo cáo ấy, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xướng Nghị quyết Đảng ủy – Bộ Tư lệnh 559 về vận tải quân sự mùa khô 1966-1967. Nghị quyết nhanh chóng lan tỏa, thấm vào lòng người và bùng phát thành sức mạnh chưa từng thấy trong các binh chủng trên khắp chiến trường Trường Sơn. Mọi người lao vào chiến đấu với tư thế hiên ngang dám đánh và quyết thắng.
Đội hình xe ô tô của Trung đoàn 13 (Binh đoàn Trường Sơn) chuẩn bị lên đường thực hiện chiến dịch vận tải. Ảnh tư liệu
Bản thân Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng trực tiếp chỉ đạo Binh trạm 1, lấy đó làm điểm để nhân diện rộng. Khi ta mở màn chiến dịch vận tải mùa khô thì địch cũng mở màn một cuộc tập kích vào đèo Cốc Mạc, phá hủy toàn bộ 1 km đường đèo, chặn đứng đường vận tải của ta.
Tướng Nguyên trực tiếp chỉ đạo tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, để giải tỏa trọng điểm và chỉ định Phó chính ủy Binh trạm 1 trực tiếp chỉ huy trận chiến đấu này.
Kết quả đã giành được thắng lợi giòn giã: bắn hạ tại chỗ 2 máy bay, khôi phục lại đường, mở cửa cho 200 xe vượt trọng điểm an toàn tuyệt đối. Chiến công này, kinh nghiệm này được thông báo trên toàn tuyến, dấy lên một khí thế “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, mở màn cho thắng lợi của toàn chiến dịch diễn ra trong suốt 5 tháng trời ròng rã.
Thắng lợi vận tải mùa khô 1966-1967 không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của những chiến sĩ Trường Sơn mà còn là niềm vui chung của quân dân cả nước. Ghi nhận công lao và động viên kịp thời thành tích của bộ đội Trường Sơn, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đoàn 559.
(Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh của tác giả Phan Hữu Đại và cuốn hồi ký Với cả cuộc đời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – Duy Tường thể hiện).