Hôm nay (16-12), quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Moon Hyung-bae sẽ triệu tập một cuộc họp của các thẩm phán để xem xét nghị quyết của quốc hội về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol, vì nỗ lực ban bố lệnh thiết quân luật bất thành của ông vào đầu tháng 12, theo hãng thông tấn Yonhap.
Ông Moon đưa ra thông báo trên hồi cuối tuần qua, nhấn mạnh sẽ tiến hành phiên tòa "nhanh chóng và công bằng".
Chuyện gì đã xảy ra?
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc khởi động tiến trình xem xét việc luận tội ông Yoon sau khi quốc hội Hàn Quốc hôm 14-12 thông qua nghị quyết luận tội ông Yoon với 204 phiếu thuận, vượt qua ngưỡng 200/300 phiếu cần thiết. Nghị quyết nêu rõ lý do luận tội là "vi phạm hiến pháp và luật pháp khi ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp". Trước đó, vào ngày 7-12, quốc hội đã không thể thông qua kiến nghị luận tội ông Yoon do đảng cầm quyền tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
Nghị quyết luận tội được thông qua 11 ngày sau khi ông Yoon bất ngờ ban bố thiết quân luật tối 3-12. Lệnh thiết quân luật, được dỡ bỏ trong vòng sáu giờ sau khi quốc hội bỏ phiếu bác bỏ, đã thúc đẩy cảnh sát, bên công tố và Văn phòng điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao vào cuộc điều tra ông Yoon với cáo buộc nổi loạn.
Với vụ việc hôm 14-12, ông Yoon là tổng thống Hàn Quốc thứ ba bị quốc hội luận tội, sau Tổng thống Roh Moo-hyun năm 2004 và Tổng thống Park Geun-hye năm 2016.
Sau khi nghị quyết luận tội được đưa đến Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon chính thức bị đình chỉ nhiệm vụ từ khoảng 19 giờ 30 ngày 14-12 (giờ địa phương), khoảng 2 tiếng rưỡi sau khi nghị quyết luận tội được quốc hội thông qua. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo ngay lập tức bắt đầu nhiệm vụ của mình với tư cách là quyền tổng thống.
Phát biểu toàn dân ngay sau khi quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội tổng thống, ông Yoon tuyên bố sẽ làm hết sức mình vì đất nước "cho đến phút cuối cùng”. “Mặc dù hiện tại tôi đang bị đình chỉ, nhưng hành trình của tôi hướng tới tương lai cùng người dân trong suốt hai năm rưỡi qua sẽ không dừng lại. Tôi sẽ ghi nhận tất cả những lời chỉ trích, động viên và ủng hộ mà tôi đã nhận được, và tôi sẽ cố gắng hết sức vì đất nước cho đến cùng” - ông Yoon lên tiếng.
Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ mới chiều 14-12, quyền Tổng thống Han nói rằng ông sẽ dành toàn bộ "sức lực và nỗ lực" để quản lý ổn định các vấn đề nhà nước. "Tôi sẽ dành toàn bộ sức lực và nỗ lực của mình để quản lý ổn định các vấn đề nhà nước trong thời điểm khó khăn này” - ông Han nói.
Một trong những hành động đầu tiên trên cương vị quyền tổng thống của ông Han là triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, kêu gọi quân đội duy trì tư thế sẵn sàng. Ông Han cũng kêu gọi bảo đảm lợi ích của đất nước thông qua ngoại giao chủ động, đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu duy trì vững chắc liên minh Hàn Quốc-Mỹ và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Mất 91 ngày để Tòa án Hiến pháp ra phán quyết ủng hộ việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Với Tổng thống Roh Moo-hyun, Tòa án Hiến pháp đã bác bỏ việc luận tội sau 63 ngày cân nhắc.
Điều gì tiếp theo?
Theo luật pháp Hàn Quốc, quyết định định đoạt số phận chính trị của tổng thống bị luận tội thuộc về 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp phải đưa ra phán quyết về việc ủng hộ hay bác bỏ kiến nghị luận tội tổng thống trong vòng 180 ngày.
Các thẩm phán sẽ nghe trình bày và lập luận từ phía Ủy ban Tư pháp của quốc hội, có thể do nhà lập pháp Jung Chung-rae từ đảng Dân chủ đối lập dẫn đầu. Ông Yoon dự kiến sẽ thành lập một nhóm đại diện pháp lý để trình bày trước các thẩm phán.
Tòa án cũng quyết định chọn 2 thẩm phán để giám sát việc xem xét bằng chứng và thành lập lực lượng đặc nhiệm rà soát pháp lý bao gồm các nhà nghiên cứu hiến pháp. Theo các học giả, trước đây, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp không bỏ phiếu theo khuynh hướng chính trị mà quyết định từng trường hợp cụ thể dựa trên cách giải thích của họ về hiến pháp.
Theo hiến pháp Hàn Quốc, ít nhất 6/9 thẩm phán phải đồng ý về nghị quyết luận tội tổng thống thì lúc đó tổng thống mới bị phế truất. Tòa án Hiến pháp hiện nay chỉ có 6 thẩm phán do 3 thẩm phán đã nghỉ hưu từ tháng 10 và vẫn chưa có người kế nhiệm.
Mặc dù việc thiếu thẩm phán Tòa án Hiến pháp cũng có thể gây ra trở ngại trong quá trình xem xét việc luận tội ông Yoon, nhưng về mặt pháp lý, tòa án vẫn có thể xem xét chỉ với 6 thẩm phán, theo tờ The Korea Herald. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã bãi bỏ quy định cần tối thiểu 7 thẩm phán để xử lý các vụ kiện, nhưng không rõ điều này có áp dụng với trường hợp luận tội tổng thống hay không.
Tòa án Hiến pháp cho biết "về mặt lý thuyết" có thể cân nhắc vụ luận tội của ông Yoon chỉ với 6 thẩm phán. Quyền Chánh án Moon cho biết ông sẽ "phải thảo luận vấn đề" về việc liệu 6 thẩm phán có đủ để đưa ra phán quyết về việc luận tội tổng thống hay không.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc ra phán quyết đối với vụ luận tội tổng thống khi chỉ với 6 thẩm phán sẽ rất khó khăn đối với Tòa án Hiến pháp, đặc biệt khi xét đến mức độ nghiêm trọng của vấn đề. GS Lim Ji-bong tại trường Luật Sogang (Hàn Quốc) nói rằng mặc dù Tòa án Hiến pháp có thể thảo luận về việc luận tội ông Yoon với 6 thẩm phán, nhưng sẽ rất khó khăn đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này vì “đó sẽ là một quyết định gây ra gánh nặng chính trị rất lớn” cho các thẩm phán.
Tình hình trên đã thúc đẩy các đảng cầm quyền và đối lập kêu gọi hành động nhanh chóng để lấp đầy các ghế trống tại Tòa án Hiến pháp. Quốc hội sẽ cần đề xuất các ứng cử viên và quyền tổng thống sẽ chỉ định các thẩm phán.
Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp quyết định xúc tiến vụ luận tội với 6 thẩm phán, điều đó có nghĩa tất cả 6 thẩm phán phải ủng hộ nghị quyết luận tội ông Yoon thì khi đó tổng thống Hàn Quốc mới bị bãi nhiệm.
Nếu Tòa án Hiến pháp phế truất ông Yoon hoặc ông Yoon từ chức trước khi có phán quyết cuối cùng của toà, một cuộc bầu cử tổng thống phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Nếu Tòa án Hiến pháp bác bỏ bản nghị quyết luận tội, ông Yoon sẽ trở lại nắm quyền ngay lập tức.
Nhìn lại những lần quốc hội luận tội tổng thống
Vào năm 2004, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Roh Moo-hyun trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị quốc hội luận tội với các cáo buộc vận động tranh cử bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ông Roh được phục chức sau khi Tòa án Hiến pháp bác bỏ động thái luận tội của quốc hội. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc từng mất 63 ngày để xem xét nghị quyết luận tội Tổng thống Roh.
Vào năm 2017, Tổng thống Park Geun-hye bị quốc hội luận tội liên quan cáo buộc cho phép bạn thân Choi Soon-il và một cố vấn gây sức ép buộc các tập đoàn lớn quyên tiền cho hai quỹ của bà Choi, cũng như để bà Choi can thiệp vào công việc chính phủ.
Sau đó, tháng 3-2017, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết giữ nguyên nghị quyết của quốc hội nước này về việc luận tội nữ Tổng thống Park. Như vậy, bà Park là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc và cũng là tổng thống dân cử đầu tiên bị phế truất tại quốc gia này.