Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đã ngã ngũ với chiến thắng thuộc về “vị tỉ phú lắm chiêu” Donald Trump. Một lần nữa các vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa “hai ông lớn” Mỹ - Trung Quốc lại tiếp tục dành nhiều sự quan tâm của giới chính trị, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng quốc tế.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ vào tháng 3-2018, hai siêu cường toàn cầu đã liên tiếp tung ra các đòn thuế quan, dẫn đến một cuộc đối đầu kéo dài và đầy căng thẳng.
Mục tiêu của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại và di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, trong khi đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn bảo vệ chuỗi cung ứng và duy trì quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
Trump 2.0 sẽ “mạnh tay” hay “dĩ hoà vi quý” với Trung Quốc?
Chính sách của ông Trump với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai có thể vẫn sẽ tiếp tục đi theo xu hướng “bình cũ rượu mới” như trong nhiệm kỳ đầu: chú trọng vào thương mại và áp thuế cao, gây căng thẳng với Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ phản ứng lại. Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể làm dịu mối quan hệ này ở một số điểm, nhưng điều đó sẽ không phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ.
Trong tài liệu vận động tranh cử năm 2024, ông Trump đã đề xuất một mức thuế cơ bản chung đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, cùng với cơ chế tăng dần thuế đối với các quốc gia bị coi là phá giá tiền tệ hoặc tham gia vào các hoạt động thương mại không công bằng. Mặc dù chính sách này không chỉ nhằm vào Trung Quốc, nhưng thuế toàn cầu sẽ tác động mạnh đến các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đặc biệt những công ty bán hàng tiêu dùng vì Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của họ. Đồng thời, biện pháp này cũng sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.
Tiếp đến, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế lên tới mức 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu ông quay trở lại Nhà Trắng, thể hiện sự quyết tâm tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh. Dự kiến, ông Trump sẽ duy trì lập trường cứng rắn về kinh tế, đồng thời có thể rút lại các cam kết giảm thuế đối với những nước thành viên khác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông Trump khẳng định rằng sẽ không khởi động một cuộc thương chiến Mỹ-Trung mới. Tuy nhiên, nếu các chính sách này được thực thi, nguy cơ xung đột thương mại mới có thể sẽ lại nổ ra.
Ngoài ra, trong lĩnh vực xe điện (EV), Trung Quốc hiện có lợi thế về giá. Do đó, ông Trump cam kết sẽ áp thuế 100% đến 200% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm xe Trung Quốc sản xuất tại Mexico. Trước đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã duy trì mức thuế 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại. Trên thực tế, chính sách đánh thuế này do ông Trump khởi xướng ở nhiệm kỳ đầu tiên nên khả năng cao là nó sẽ tiếp tục được mở rộng sau khi ông Trump nhậm chức.
Phản ứng có thể của Bắc Kinh trước sự trở lại của ông Trump
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng chắc chắn sẽ tạo ra những tác động sâu rộng đối với Trung Quốc. Theo ông Jacob Gunter - chuyên gia kinh tế chính trị Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Mercator (Đức), “cuộc chiến thương mại lần này sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ mà sẽ là một cuộc đối đầu toàn diện. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt trong việc xuất khẩu sang Mỹ”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” và thế giới quan giao dịch của ông Trump cũng có thể có lợi cho Bắc Kinh. Cụ thể, lập trường bảo hộ thương mại và cách tiếp cận giao dịch trong chính sách đối ngoại của ông Trump có thể làm suy yếu các liên minh quốc tế và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tạo điều kiện cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại và thiết lập một trật tự thế giới thay thế.
Trên thực tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng đến ông Trump ngay sau khi ông Trump xác định là người chiến thắng trong cuộc đua Nhà Trắng, dù quan hệ Mỹ - Trung hiện đang có chiều hướng “lao dốc”. Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã chia sẻ với tổng thống đắc cử rằng Trung Quốc và Mỹ có thể “tìm ra cách đúng đắn” để “hòa hợp trong kỷ nguyên mới”. Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ hòa bình đó, Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị cho những tác động và bất ổn từ cuộc đối đầu sắp tới.
Như vậy, khi chính quyền Trump 2.0 chính thức khởi động, Trung Quốc có thể sẽ “ráo riết” tìm kiếm các liên minh ngoài phương Tây, gia tăng sự can dự vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đồng thời giảm phụ thuộc vào phương Tây về xuất khẩu và đầu tư. Ngoài ra, Trung Quốc có thể củng cố quan hệ với Iran, đồng thời tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực Trung Đông.
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì nếu Mỹ phải tập trung nhiều hơn vào các vấn đề ở Trung Đông, họ sẽ có ít nguồn lực hơn để đối phó với “mối đe dọa Trung Quốc” tại khu vực khác. Nói cách khác, Mỹ sẽ khó có thể cùng lúc vừa lo cho Trung Đông, vừa đối phó với sự phát triển của Trung Quốc.