Biển Đông sẽ thế nào 4 năm tới?

(PLO)- Ông Donald Trump, vốn theo đuổi đường lối cứng rắn và quyết liệt về Biển Đông trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu, vừa chiến thắng một nhiệm kỳ tiếp theo trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều này sẽ có tác động thế nào đến tình hình Biển Đông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Donald Trump sẽ chính thức quay lại Nhà Trắng vào đầu năm tới với nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai. Liệu việc Nhà Trắng “đổi chủ” sẽ có tác động như thế nào đến tình hình Biển Đông? Ông Donald Trump với cương vị tổng thống Mỹ sẽ ứng xử thế nào với Biển Đông trong bốn năm tới?

Ông Donald Trump - P16_tiếp-tế-tàu--USS-Ronald-Reagan.jpg
Tàu tuần dương của Mỹ tiến đến tàu sân bay USS Ronald Reagan để tiếp tế cho tàu này tại Biển Đông ngày 17-6-2023. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Biển Đông trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump

Để có căn cứ hình dung các bước đi sắp tới có thể của ông Donald Trump ở Biển Đông, trước hết, cần nhìn lại những nét chính trong lập trường và chính sách của ông về vùng biển này trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

Theo ông Felix K. Chang - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), trong nhiều thập niên, Mỹ đã theo đuổi một chính sách từng được mô tả là “hoàn toàn không can dự” vào các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2010, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này đã khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó bắt đầu chuyển hướng chính sách theo hướng cứng rắn hơn.

Khi kế nhiệm ông Barack Obama làm tổng thống Mỹ, chính quyền ông Donald Trump tiếp tục đường lối cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm, thậm chí quyết liệt hơn, đối với Bắc Kinh ở Biển Đông. Mỹ đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông, tăng quy mô và tần suất các cuộc tập trận và nỗ lực ngăn chặn mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở khu vực này. Đơn cử, số lượng các cuộc tuần tra tự do hàng hải đã tăng từ 2-3 cuộc tuần tra mỗi năm trong hai năm cuối của chính quyền ông Barack Obama lên chín cuộc vào năm 2019 - lúc ông Donald Trump đang tại vị.

Dù là chính quyền tổng thống Mỹ nào thì chính sách cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông vẫn sẽ được duy trì và sẽ không suy yếu.

Một sự kiện quan trọng là vào tháng 5-2020, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố đồng loạt triển khai tất cả tàu ngầm tấn công hạt nhân, vốn đã được triển khai ở khu vực, tiến hành “hoạt động ứng phó tình huống khẩn cấp” ở Tây Thái Bình Dương để giúp chống lại các hành động mà Mỹ cho là mang tính chất gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Felix K. Chang, sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đưa ra lời thách thức mạnh mẽ đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Một diễn biến đáng chú ý nữa là vào tháng 7-2020, Ngoại trưởng Mỹ thời ông Donald Trump lúc đó là ông Mike Pompeo tuyên bố rằng các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông - “đường lưỡi bò” - là “hoàn toàn phi pháp”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách của mình phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines. Đây cũng được cho là lần đầu tiên Mỹ làm rõ lập trường của nước này về Biển Đông và công khai thách thức các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Viễn cảnh cạnh tranh và đối đầu ở Biển Đông có thể gia tăng trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Donald Trump. Chính quyền của ông Donald Trump có thể tiếp tục hoặc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải và thể hiện sức mạnh quân sự để đối phó với tham vọng của Trung Quốc như đã làm ở nhiệm kỳ đầu. Tuy vậy, cũng có khả năng ông Donald Trump sẽ tìm kiếm một thỏa thuận để đánh đổi quyền lợi với Trung Quốc ở những vấn đề khác như thương mại. Nếu điều này xảy ra, các nước Đông Nam Á sẽ gặp nhiều bất lợi.

TS Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
(ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore)

Hình dung Biển Đông khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Stephen R. Nagy - khoa Chính trị và Quốc tế học, ĐH Cơ đốc giáo quốc tế (Nhật) cho rằng dù là chính quyền tổng thống Mỹ nào thì chính sách cứng rắn của Mỹ ở Biển Đông vẫn sẽ được duy trì và sẽ không suy yếu.

Lý do, theo GS Stephen R. Nagy, Biển Đông có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với các nền kinh tế khu vực mà còn đối với nền kinh tế Mỹ khi có các tuyến giao thông đường biển quan trọng, vận chuyển 5.500 tỉ USD hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới, là khu vực giàu nguồn tài nguyên năng lượng.

“Cần nhớ rằng Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và điều đó có nghĩa là Mỹ cần các tuyến giao thông đường biển thông thoáng để đưa hàng hóa của Mỹ đến ASEAN. Vì vậy, nếu ông Donald Trump muốn thuận tiện giao thương trong khu vực và muốn các tuyến giao thông đường biển không bị bên nào độc chiếm thì Mỹ bắt buộc phải duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực này và lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông” - học giả này nhận định với Pháp Luật TP.HCM.

Cùng ý kiến, TS Nguyễn Thành Trung - giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam đồng ý rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump thì Mỹ là quốc gia thực hiện nhiều hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông nhất. Theo học giả này, nhiều khả năng trong nhiệm kỳ tiếp theo của ông Donald Trump, Mỹ sẽ thúc đẩy sự hiện diện nhiều hơn ở vùng biển này như việc đưa tàu chiến Mỹ đi qua các vùng biển được luật quốc tế cho phép với lý do theo phía Mỹ là để thực thi luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ thể hiện sức mạnh nhiều hơn ở Biển Đông thông qua hoạt động tập trận, thúc đẩy quan hệ liên minh song phương và với các đối tác trong khu vực.

Viết trên trang Asia Times, ông Simon Hutagalung - nhà ngoại giao Indonesia hiện đã nghỉ hưu - cho rằng trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Donald Trump, mục tiêu chiến lược chung của chính sách Mỹ tại Biển Đông có thể vẫn nhất quán là tiếp tục ưu tiên răn đe và can dự chiến lược với Trung Quốc. Còn cách thức theo đuổi mục tiêu này có thể khác nhau tùy thuộc vào các quyết định chiến thuật của ông Donald Trump và các cuộc đàm phán rộng hơn với Trung Quốc.

Theo ông Hutagalung, việc quản lý hiệu quả xung đột tiềm tàng ở Biển Đông đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng tập trung vào sự ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và hợp tác giữa các bên liên quan. Ông Hutagalung công nhận vai trò quan trọng của Mỹ trong việc duy trì sự cân bằng khu vực, song cũng nhấn mạnh một điều ông cho “tối quan trọng” là “tính nhất quán và sự rõ ràng về mặt chiến lược trong chính sách của Mỹ” ở Biển Đông.•

Ông Donald Trump sẽ ứng xử thế nào ở eo biển Đài Loan?

Eo biển Đài Loan thời gian gần đây chứng kiến nhiều diễn biến đáng quan ngại, mà gần nhất là việc Trung Quốc tập trận quy mô lớn, mô phỏng việc bao vây hòn đảo. Bối cảnh này khiến nhiều người lo ngại rằng căng thẳng ở khu vực này sẽ bùng lên thành xung đột.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung cho rằng có thể chính quyền ông Donald Trump sẽ không đẩy căng thẳng eo biển Đài Loan lên cao tới mức trở thành điểm đối đầu vũ trang. Theo TS Nguyễn Thành Trung, với tư duy kinh doanh, ông Donald Trump sẽ không hao phí nguồn lực vào các cuộc xung đột. Phong cách của ông Donald Trump sẽ là đưa ra những lời răn đe, buộc bên kia nhượng bộ nhiều hơn là việc muốn đẩy căng thẳng thành bạo lực.

Có ý kiến cho rằng ông Donald Trump không mấy mặn mà với việc gắn kết với liên minh, đồng minh, trong đó có Đài Loan. Tuy nhiên, GS Stephen R. Nagy không đồng tình. Vị học giả này giải thích với Pháp Luật TP.HCM rằng ông Donald Trump là một nhà lãnh đạo theo kiểu giao dịch, tức không phải không mặn mà gắn kết với đồng minh hay đối tác mà là mong muốn đối tác của mình đóng góp nhiều hơn, cả về mặt tài chính và nhân lực, thay vì để Mỹ chịu hoàn toàn gánh nặng, nhất là về mặt an ninh.

Còn nhớ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Donald Trump từng nói rằng “Đài Loan nên chi tiền cho Mỹ để được bảo vệ” và Mỹ không khác gì một công ty bảo hiểm. Sau phát ngôn đó của ông Donald Trump, lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức khẳng định hòn đảo “sẵn sàng đảm nhận thêm trách nhiệm” và sẽ tự bảo vệ mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm