Cuộc bầu cử Mỹ ngày càng gay cấn khi chỉ còn vài ngày nữa là chính thức đến ngày bầu cử 5-11. Đến nay cục diện vẫn rất khó đoán khi hai ứng viên là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rượt đuổi sít sao ở các bang chiến trường.
Chuỗi bài viết gồm 2 bài sẽ phân tích về chính sách đối ngoại của hai ứng viên đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu họ đắc cử. Bài viết đầu tiên sẽ bàn về chính sách đối ngoại châu Á - Thái Bình Dương của ông Trump.
Chính sách với Trung Quốc
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và khoa học kể từ khi quan hệ song phương được bình thường hóa vào năm 1979. Trong bài viết đăng trên trang web ĐH Brandeis của Mỹ (brandeis.edu), PGS Elanah Uretsky - Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Quốc tế thuộc ĐH Brandeis - cho rằng cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ có tác động sâu sắc đến quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Việc ông Trump đắc cử vào năm 2017 đã làm khiến quan hệ Mỹ-Trung suy giảm đáng kể kể từ đó. Chính quyền Trump khi đó khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi áp thuế lên tới 25% đối với một loạt mặt hàng Trung Quốc. Ông Trump cũng làm gián đoạn nghiên cứu khoa học quan trọng bằng việc khởi xướng Sáng kiến Trung Quốc, một chương trình chống gián điệp, nhắm vào các học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc trong các phòng thí nghiệm và trường đại học Mỹ.
Các chính sách của Tổng thống Joe Biden sau khi lên nắm quyền tiếp tục hạn chế thương mại với Trung Quốc, nhưng theo cách có mục tiêu hơn nhằm bảo vệ một số ngành quan trọng để tiếp tục phát triển kinh tế Mỹ. Ví dụ, ông Biden gần đây đã tăng gấp bốn lần mức thuế (lên 100%) đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Sáng kiến Trung Quốc đã kết thúc dưới thời ông Biden, nhưng một số sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc vẫn bị từ chối cấp thị thực như một phần của chiến lược an ninh quốc gia hiện tại. Và ông Biden thậm chí còn mạnh tay hơn ông Trump trong việc hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ như chất bán dẫn, để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ..
Nhiều người đã thảo luận liệu những căng thẳng này có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ hay không. Theo PGS Uretsky, hai nền kinh tế quá phụ thuộc vào nhau nên viễn cảnh chia rẻ rất khó xảy ra. Chính sách thương mại dưới thời chính quyền ông Biden thừa nhận tính phi thực tế của việc tách rời.
Tuy nhiên, nếu ông Trump đắc cử năm nay, mối quan hệ Mỹ-Trung khả năng cao sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ tập trung vào bên trong nước Mỹ hơn, ban hành những hạn chế rất mạnh mẽ đối với một lượng lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc, có thể bao gồm tất cả các thiết bị điện tử và hàng hóa thiết yếu khác.
Ông Trump cũng có thể sẽ mở một “cuộc săn phù thủy” chống lại bất kỳ ai mà ông này coi là “gián điệp Trung Quốc”. Điều này không chỉ đưa nền kinh tế hai nước đến gần trạng thái tách rời nhất có thể mà còn làm gián đoạn các nghiên cứu khoa học quan trọng hơn. Cả hai kịch bản trên đều có thể gây nguy hiểm cho tiến bộ kinh tế và khoa học ở Mỹ và toàn cầu, theo PGS Uretsky.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, trang web chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump hứa hẹn một "chính sách thương mại [sẽ] loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc".
Ông Trump đã không sử dụng từ "tách rời" trong bài phát biểu vào tháng 9 năm nay, nơi ông trình bày chi tiết các đề xuất kinh tế của mình, nhưng ông đã tán thành "chủ nghĩa dân tộc kinh tế", hứa sẽ khiến Washington "thực sự tự lực" và "yêu cầu tất cả các vật liệu thiết yếu cho an ninh quốc gia của chúng ta phải được sản xuất tại Mỹ". Ông Trump cũng cho biết ông sẽ thiết lập "một chính sách thương mại có lợi cho Mỹ, sử dụng thuế quan để khuyến khích sản xuất trong nước và đưa hàng nghìn tỉ USD trở về nước".
Cựu Tổng thống Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng quay trở lại mục tiêu xây dựng lực lượng 350 tàu cho Hải quân Mỹ, phát triển một hạm đội lớn hơn và có năng lực hơn để đối trọng với sức mạnh hải quân đang gia tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Quan hệ với Hàn Quốc
Theo tờ The Diplomat, nếu ông Trump tái đắc cử, các chính sách của ông có thể tạo ra sự căng thẳng trong liên minh Mỹ - Hàn Quốc ở ba khía cạnh chính.
Một là chính sách với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tập trung vào việc kiềm chế, tăng cường phòng thủ của Hàn Quốc và cô lập Triều Tiên về mặt kinh tế cho đến khi có những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ông Trump ở nhiệm kỳ 2 có thể cởi mở hơn trong việc tương tác và hòa giải với Bình Nhưỡng so với ông Yoon. Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cho thấy vẫn thiên về ngoại giao cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh và đối thoại, thay vì cô lập ông này.
Hai là yêu cầu Hàn Quốc đóng góp ngân sách nhiều hơn vào liên minh Mỹ-Hàn, như Đài Loan. Hồi giữa tháng 10, ông Trump nói rằng Hàn Quốc sẽ phải trả 10 tỉ USD/năm cho Mỹ để Washington duy trì hiện diện của lực lượng Mỹ tại nước này, nếu ông tái đắc cử tổng thống. Theo The Diplomat, mặc dù ông Yoon ủng hộ xây dựng một liên minh Mỹ-Hàn mạnh mẽ, nhưng rất ít khả năng nhà lãnh đạo Hàn Quốc đồng ý tăng mạnh như vậy.
Hiện Mỹ và Hàn Quốc vừa hoàn tất ký kết Thỏa thuận Biện pháp Đặc biệt (SMA) lần thứ 12 về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng. Theo thỏa thuận, Seoul sẽ trả 1,13 tỉ USD vào năm 2026, tăng 8,5% so với năm 2025. Hiện Hàn Quốc phải trả cho Mỹ 1 tỉ USD cho hạng mục này.
Ba là trái ngược lập trường liên quan Trung Quốc. Lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc có thể khiến khoảng cách giữa cách tiếp cận của Mỹ và Hàn Quốc đối với Bắc Kinh ngày càng tách biệt. Trong khi ông Yoon đã củng cố mối quan hệ với Mỹ và Nhật và chỉ trích hành vi khu vực của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn duy trì cách tiếp cận thận trọng, coi Trung Quốc là đối tác quan trọng và tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.
Quan hệ với Triều Tiên
Cựu tổng thống Mỹ thường xuyên đề cập đến mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các bài phát biểu tranh cử, gợi về những tương tác giữa họ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Ông Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ ở Singapore vào tháng 6-2018 và tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội năm 2019, cuối cùng đã không đạt được các thỏa thuận lâu dài.
Hai người cũng bắt tay nhau tại Bàn Môn Điếm vào tháng 6-2019 và trao đổi hàng loạt thư từ, theo tờ Korea Joongang Daily.
“Tôi rất thân với Triều Tiên và ông Kim Jong-un. Thật tuyệt khi được làm thân với một người có nhiều vũ khí hạt nhân, phải không? Ông ấy cũng muốn gặp lại tôi” - ông Trump nói trong bài phát biểu ngày 18-7, ám chỉ về khả năng gặp lại ông Kim nếu đắc cử.
Tuy phát ngôn là vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu trong chính quyền Trump 2.0.
“Ưu tiên chính sách đối ngoại số một của Mỹ có thể sẽ là Trung Quốc” - Giáo sư Choi Jong-kun tại khoa Khoa học Chính trị và Quốc tế của ĐH Yonsei (Hàn Quốc) cho biết.
GS Choi nhấn mạnh rằng các vấn đề trong nước cùng với Trung Quốc, Ukraine và Trung Đông sẽ chi phối chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Trump. “Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ được ưu tiên thấp hơn do nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên liên tục trong 30 năm đều thất bại” - ông Choi bình luận.
Ngoài ra, theo Korea Joongang Daily, giới quan sát cũng lo ngại ông Trump có thể công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân trên thực tế và ưu tiên cắt giảm vũ khí hơn là phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng.
Quan hệ với Nhật
Theo trang Nippon.com, quan hệ Mỹ - Nhật hiện đang ổn định. Dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 với việc ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, Nhật vẫn giữ được tầm quan trọng đối với Mỹ chỉ nhờ vào vị trí địa chiến lược của mình.
Theo ông Watanabe Tsuneo - thành viên cao cấp tại Tổ chức Hòa bình Sasakawa (Nhật), liên minh Mỹ-Nhật có thể được sử dụng để gây áp lực lên Trung Quốc, và đây sẽ là công cụ ngoại giao quan trọng của ông Trump trong kịch bản ông này cam kết cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.
Theo ông Watanabe, một phần quan trọng của bức tranh về quan hệ Mỹ-Nhật liên quan đến chính quyền Trump 2.0 là những nhân vật nào sẽ định hình các chính sách an ninh và đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ hai của của cựu tổng thống. Những cái tên được đề cập bao gồm Robert O'Brien (cựu Cố vấn An ninh Quốc gia), ông Elbridge Colby (cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng), và ông Michael Pillsbury (thành viên cấp cao về chiến lược Trung Quốc tại Quỹ Di sản và cựu giám đốc chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson).
Cả ba đều là những chuyên gia có lập trường cứng rắn với Trung Quốc và ủng hộ định hướng chính sách đối ngoại nghiêng về phía Đài Loan. Nếu những cá nhân này tham gia sâu vào việc định hình chính sách đối ngoại Nhà Trắng thời ông Trump, điều này sẽ góp phần hơn nữa vào sự ổn định của liên minh Mỹ-Nhật.
Vấn đề Đài Loan
Theo Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics), ông Trump gần đây đã ám chỉ rằng Đài Loan có thể nhận được ít sự ủng hộ hơn từ Washington nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa từng tuyên bố rằng Đài Loan nên tăng ngân sách quốc phòng lên 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để xây dựng năng lực tự vệ.
Ông Trump cũng đã so sánh sự hỗ trợ quốc phòng của Mỹ cho Đài Loan tương tự như một "công ty bảo hiểm", cho rằng Đài Loan nên trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ. "Tôi nghĩ Đài Loan nên chi tiền cho Mỹ để được bảo vệ. Chúng tôi không khác gì một công ty bảo hiểm. Đài Loan không cho chúng ta bất cứ thứ gì" - ông Trump trả lời hãng tin Bloomberg Businessweek.
Tuy nhiên, theo Merics, chính quyền Trump thứ hai có vẻ sẽ tiếp tục đứng về phía Đài Loan, đối đầu với Trung Quốc.
Mối lo ngại về mối quan hệ Trump-Đài Loan xuất phát từ quan ngại rằng Đài Loan có thể trở thành một con bài mặc cả nếu ông Trump muốn thỏa hiệp với Bắc Kinh. Ông Trump đã nói vào cuối năm 2016 rằng chỉ có "một thỏa thuận với Trung Quốc về những vấn đề khác" mới giúp ông ủng hộ chính sách một Trung Quốc, dựa trên Thông cáo Thượng Hải năm 1972 trong đó Mỹ thừa nhận lập trường của Bắc Kinh "rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc" và kêu gọi "giải quyết hòa bình" vấn đề này.
Mặc dù sau đó ông chuyển sang ủng hộ “một Trung Quốc” không ràng buộc, ông Trump đã chỉ ra rằng nửa thế kỷ “mơ hồ chiến lược” mà Mỹ áp dụng đối với Đài Loan có thể sẽ mất đi nếu Bắc Kinh đưa ra một lời đề nghị phù hợp.
Tuy nhiên, nếu thật sự ông Trump thắng cử, giới chuyên gia cho rằng khó để tưởng tượng bất kỳ nhượng bộ nào từ Bắc Kinh đủ lớn để ông Trump đồng ý thỏa hiệp về Đài Loan.
Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng rằng lập trường của họ đối với hòn đảo này là không thể thương lượng. Đồng thời, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc khiến tầm quan trọng chiến lược và kinh tế (nhà sản xuất bán dẫn) của Đài Loan trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh ông Trump là nhân vật đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu.
Về khu vực Đông Nam Á
Giới phân tích cho rằng ông Trump có cách tiếp cận quyết đoán hơn nhiều đối với khu vực, khác với lập trường của bà Harris, theo tờ Bangkok Post.
Ông James Downes - người đứng đầu bộ phận chính trị và hành chính công tại ĐH Metropolitan Hong Kong - cho rằng chính quyền bà Harris (nếu đắc cử) sẽ tiếp tục các chính sách hiện có, bao gồm sự kết hợp giữa ngoại giao, chủ nghĩa đa phương và tập trung vào các vấn đề con người và tự do dân chủ.
Trong khi đó, ông Downes cho rằng cách tiếp cận của ông Trump có thể là về nền kinh tế, tập trung vào các thỏa thuận thương mại và hiệp định an ninh mang lại lợi ích trực tiếp cho Mỹ.
Cựu tổng thống sẽ “có nhiều giao dịch hơn” khi làm việc với các đồng minh của Mỹ trong khu vực bao gồm Philippines, ưu tiên các lĩnh vực cùng quan tâm và ít tập trung hơn vào các vấn đề quyền con người.
"Trọng tâm an ninh cũng sẽ củng cố nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0, trong đó ông Trump có thể sẽ ưu tiên hợp tác an ninh với các nước trong khu vực để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc và duy trì quyền lực của Mỹ trong khu vực rộng lớn hơn” - ông Downes nói.
Theo ông Downes, bà Harris có thể sẽ theo đuổi “cách tiếp cận ngoại giao và dựa trên luật lệ hơn” đối với các tranh chấp ở Biển Đông và ưu tiên đối thoại và hợp tác, trong khi đó ông Trump "có thể quyết đoán hơn và tập trung vào an ninh hơn, có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực".
"Các chính sách của bà Harris có thể dẫn đến một môi trường ổn định và dễ dự đoán hơn ở Biển Đông, trong khi cách tiếp cận của ông Trump có thể làm tăng khả năng xảy ra đối đầu và leo thang địa chính trị, ảnh hưởng đến sự ổn định chung của khu vực và quan hệ kinh tế với Trung Quốc” - ông Downes nói.
Ông David Arase - GS chính trị quốc tế tại Trung tâm Hopkins-Nam Kinh (Trung Quốc) - cho rằng ông Trump sẽ tập trung vào các mối đe dọa và cơ hội ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước. Ông Trump có thể sẽ coi trọng những tổ chức phù hợp với lợi ích của Mỹ và có thể coi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) "không liên quan đến mục tiêu và lợi ích của Mỹ".
Về mặt kinh tế, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể chứng kiến sự trở lại của căng thẳng về thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước trong khu vực, theo ông Andreyka Natalegawa - chuyên gia của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ). Trước đó, ông Trump đã bỏ qua một số hội nghị thượng đỉnh khu vực, gồm cả các cuộc họp của ASEAN trong thời gian tại vị.
Ông Chu Ba - Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Liêu Ninh, và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế tại ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) - nhận định rằng hiện vẫn rất khó đoán chính sách tương lai của ông Trump, mặc dù ông này có thể tiếp tục một số chính sách có lợi cho nước Mỹ dưới thời ông Biden. “Trump không có bất kỳ sự cân nhắc nào đối với chính sách đối ngoại. Ông ấy chỉ quan tâm đến việc liệu mình có đắc cử hay không, còn những việc còn lại có thể đợi” - ông Chu nói.
Về quan hệ với Philippines, ông Vincent Wei-cheng Wang - GS khoa học chính trị tại ĐH Adelphi (Mỹ) - nhận định rằng ông Trump có thể sẽ công khai kêu gọi Philippines gánh thêm chi phí quốc phòng, tương tự như cách ông tiếp cận các đồng minh khác, theo tờ South China Morning Post.
Giới quan sát nhận định rằng nhiệm kỳ tổng thống của Trump có thể làm phức tạp thêm quan hệ Mỹ-Philippines, đặc biệt là ngoài vấn đề an ninh. Ông Matteo Piasentini - một nhà phân tích địa chính trị cho Geopolitica.info và là giảng viên khoa khoa học chính trị của ĐH Philippines - đã cảnh báo rằng lập trường bảo hộ của ông Trump có thể cản trở hợp tác kinh tế.
"Philippines cũng đang đòi hỏi đầu tư và các điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi. Với chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump, tôi không thấy có chỗ cho sự tiến triển trên mặt trận đó" - ông nói.
Quan hệ với Ấn Độ
Theo tờ India Times, lập trường của ông Trump đối với Ấn Độ rất khó đoán.
Theo chuyên gia Al Mason (Ấn Độ), quan hệ Mỹ-Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021. Ông Mason nhớ lại các sự kiện quan trọng như sự kiện "Howdy Modi" (Xin chào Modi) ở bang Texas năm 2019, thu hút hơn 50.000 người tham dự để ăn mừng quan hệ đối tác, và chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump vào năm 2020, nơi Modi tổ chức một sự kiện chào đón tại sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở Ahmedabad.
"[Ấn Độ] vẫn nhớ về sự tiếp cận của Trump khi làm tổng thống, nhằm củng cố mối quan hệ lịch sử giữa Washington và New Delhi. Ông Trump cũng tiếp cận các cộng đồng người Mỹ gốc Ấn tại Mỹ ở cấp độ cá nhân hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông" - ông Mason cho biết.
Ông Mason cũng đề cập đến sự ủng hộ mạnh mẽ mà ông Modi nhận được từ cộng đồng người Mỹ gốc Ấn, những người nhớ đến những nỗ lực của Trump nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. "Cộng đồng người Mỹ gốc Ấn phần lớn ghi nhận công lao của ông Trump trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia" - ông Mason nói.
Tuy nhiên, khi nói về quan hệ thương mại Mỹ-Ấn, ông Trump đã nhiều lần gọi Ấn Độ là "kẻ lạm dụng rất lớn" thuế quan vì đã áp thuế rất lớn vào hàng hoá xuất xứ Mỹ, đặc biệt là xe máy Harley-Davidson. Cựu tổng thống cũng đe dọa sẽ đánh thuế tương ứng đối với hàng Ấn Độ nếu tái đắc cử.