Người nước ngoài ở TP.HCM thích ông Trump hay bà Harris?

Bầu cử tổng thống Mỹ

Người nước ngoài ở TP.HCM thích ông Trump hay bà Harris?

(PLO)- Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay thu hút sự quan tâm lớn từ bạn bè quốc tế tại Việt Nam, với nhiều góc nhìn về tác động và kỳ vọng từ sự kiện này.

Bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ là sự kiện quan trọng đối với người dân Mỹ mà còn thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Những quyết định chính trị của cường quốc này thường ảnh hưởng đến chính sách toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay.

Với mong muốn hiểu rõ hơn về quan điểm của người nước ngoài đối với bầu cử Mỹ, báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn một số du khách và người nước ngoài sống tại TP.HCM. Mỗi nhân vật mang đến một góc nhìn khác nhau về sự kiện chính trị quan trọng này.

Chia sẻ từ một công dân Mỹ ở Việt Nam

Là một người Mỹ có 16 năm sinh sống tại Việt Nam, ông Nelson Gregory - Biên tập viên tiếng Anh của đài VOV World Service - nói rằng ông cũng như những bạn bè người Mỹ của ông đang sinh sống tại Việt Nam đều coi cuộc bầu cử năm nay là sự kiện “rất, rất quan trọng”.

“Không đơn giản chỉ là chúng tôi quan tâm đến đất nước của chúng tôi, mà còn vì một ngày nào đó chúng tôi có thể quay lại và sống ở đó” - ông Gregory nói.

Với câu hỏi liệu ông có thấy khó khăn trong việc cập nhật thông tin về tình hình chính trị Mỹ khi đang sống tại một nước khác hay không, ông Gregory chia sẻ rằng Internet đã giúp mọi thứ dễ dàng hơn bao giờ hết. Biên tập viên 76 tuổi này kể rằng ông thường xuyên xem tin tức về bầu cử tổng thống Mỹ qua báo đài và cũng như thường bàn luận về chính trị Mỹ với bạn bè qua email.

Bầu cử tổng thống Mỹ (6).jpg
Ông Nelson Gregory - Biên tập viên tiếng Anh của đài VOV World Service. Ảnh: NVCC

Tuy vậy, ông Gregory cũng bày tỏ lo ngại về tác động của truyền thông và quảng cáo đối với chính trị Mỹ, nhất là trong kỳ bầu cử năm nay. Theo ông, cử tri giờ đây liên tục tiếp nhận các quảng cáo nhắm thẳng vào lợi ích cá nhân, có xu hướng thiên vị rõ ràng.

“Thật khó để có được một câu chuyện trung lập. Thông tin thì dễ tìm, nhưng để tìm thông tin khách quan lại là chuyện khác” - ông Gregory nhận định.

Nhấn mạnh tính đặc biệt của cuộc bầu cử năm nay, ông Gregory nói vui rằng “bạn biết đấy, tôi già rồi” và cho biết ông đã bỏ phiếu trong tất cả các kỳ bầu cử mà ông đủ điều kiện bỏ phiếu, nhưng không có kỳ bầu cử nào giống như cuộc bầu cử năm nay.

“Trước đây, sự khác biệt giữa ứng viên Dân chủ và ứng viên Cộng hòa không lớn lắm. Về cơ bản, các ứng viên Cộng hòa thường mang lập trường bảo thủ hơn, trong khi ứng viên Dân chủ thì có lập trường tự do hơn. Tuy nhiên, hai ứng viên năm nay gần như nằm ở giữa [hai lập trường trên]” - ông Gregory nói.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Gregory nói rằng sau nhiều năm gắn bó với Việt Nam thì với ông Việt Nam đã là quê hương thứ hai, thế nên tương lai quan hệ Việt-Mỹ dưới thời tổng thống mới là điều “rất quan trọng” đối với ông.

“Tôi đã ở Việt Nam được 16 năm rồi. Việt Nam giống như nhà của tôi vậy. Tôi yêu Việt Nam. Hầu hết những người bạn cạnh bên tôi trong 16 năm qua đều là người Việt Nam và sống ở Việt Nam. Tôi dự định sẽ ở lại đây lâu nhất có thể” - ông chia sẻ, nhấn mạnh rằng quan hệ Việt - Mỹ đã rất bền chặt.

Biên tập viên người Mỹ bày tỏ sự ngưỡng mộ với lịch sử hào hùng của Việt Nam trong đấu tranh chống chống ngoại xâm hàng thế kỷ và tinh thần tiếp tục đấu tranh bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa trong thời bình. Ông Gregory cũng ca ngợi chính sách ngoại giao cân bằng, cởi mở của Việt Nam.

Ông đặt kỳ vọng ứng viên đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, cho rằng bà Harris sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm là chú trọng hợp tác với nhiều nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.

“Tôi thực sự hy vọng rằng bà Harris sẽ thắng cử lần này, từ đó mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục bền chặt và hữu nghị” - ông Gregory bày tỏ.

Bạn bè bạn quốc tế nghĩ gì về bầu cử tổng thống Mỹ?

Không chỉ riêng người Mỹ, nhiều người nước ngoài tại TP.HCM cũng chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng họ dành sự quan tâm lớn đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Bầu cử tổng thống Mỹ (4).jpg
Anh Finn - du khách Đức tại TP.HCM

Anh Finn, một du khách Đức đang có chuyến du lịch tại TP.HCM, cho biết anh thường xuyên theo dõi thông tin về cuộc bầu cử ở Mỹ. Anh nhận định cuộc bầu cử lần này sẽ vô cùng kịch tính và kết quả sẽ phụ thuộc vào các bang chiến trường.

“Hai tuần trước tôi đã nghĩ bà Harris sẽ thắng, nhưng hiện tại kết quả thật khó đoán” - anh Finn nói. Truyền thông Mỹ gần đây dẫn kết quả các cuộc thăm dò từ cử tri cho thấy sự ủng hộ dành cho bà Harris đã giảm so với giai đoạn bà vừa tuyên bố tranh cử.

Anh Finn muốn Phó Tổng thống Harris chiến thắng dù cho rằng bà không phải là “một ứng viên hoàn hảo”.

“Khác với ông Trump, bà ấy [Harris] quan tâm đến quyền của người đồng tính, quyền phụ nữ,...” - anh Finn nói thêm.

Bên cạnh đó, chàng trai người Đức cũng hy vọng bà Harris đắc cử vì cho rằng nếu ông Trump chiến thắng thì Ukraine sẽ rơi vào thế bất lợi trong cuộc chiến với Nga. Anh Finn tin rằng điều này sẽ đe dọa đến nước Đức và cá nhân anh.

Bầu cử tổng thống Mỹ (3).jpg
Ông Mitchell Howieson (TP Perth, bang Western Australia, Úc)

Trong khi đó, anh Mitchell Howieson (TP Perth, bang Western Australia, Úc) bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump vì lập trường của cựu tổng thống về các vấn đề kinh tế. “Tôi nghĩ ông Trump đã làm tốt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy” - anh Howieson nêu quan điểm.

Anh Howieson chia sẻ thêm rằng bầu cử Mỹ là đề tài được khá nhiều người Úc quan tâm, đồng thời hy vọng quan hệ Mỹ-Úc dưới thời tân tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục tốt đẹp như 100 năm qua.

Còn ông Sahu, một khách du lịch người Ấn Độ, lại nói rằng ông không dành tình cảm đặc biệt cho ứng viên nào dù bản thân theo dõi bầu cử tổng thống Mỹ khá thường xuyên.

“Vì Mỹ là một siêu cường nên kết quả của cuộc bầu cử này sẽ tác động toàn thế giới” - ông Sahu giải thích.

Bầu cử tổng thống Mỹ (1).jpg
Ông Sahu - du khách Ấn Độ tại TP.HCM

Khi được hỏi về kỳ vọng của ông trong quan hệ Mỹ-Ấn khi Washington có tổng thống thứ 47, ông Sahu cho rằng quan hệ hai nước sẽ không có nhiều thay đổi dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa chiến thắng.

Du khách này cũng chia sẻ điều ông quan tâm nhất về tình hình thế giới hiện nay. “Tôi hy vọng tất cả các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới hiện nay nên dừng lại ngay lập tức, bất kể ai lên nắm quyền, bà Kamala hay ông Trump. Tóm lại, mối quan tâm duy nhất của tôi là chiến tranh nên dừng lại” - ông Sahu bày tỏ.

Bầu cử tổng thống Mỹ (2).jpg
Ông Nigel Beatson (New Zealand)

Tương tự ông Sahu, ông Nigel Beatson (New Zealand), người đang tận hưởng kỳ nghỉ tại TP.HCM, cũng không hoàn toàn ủng hộ ứng viên nào.

Tuy nhiên, ông cho biết điều làm ông ấn tượng nhất chính là “sự điên rồ” mà không khí bầu cử tổng thống Mỹ mang đến.

Là một người ủng hộ quyền phụ nữ và quyền con người, cô Paulina, một người Na Uy có nhiều năm sinh sống tại Mỹ, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với phó Tổng thống Harris.

Bầu cử tổng thống Mỹ (5).jpg
Cô Paulina và gia đình đang có chuyến du lịch tại TP.HCM

“Ứng viên tổng thống Mỹ phải ủng hộ quyền con người, quyền tự do của phụ nữ. Bà Kamala là lựa chọn duy nhất. Ông Trump sẽ đưa nước Mỹ trở lại, nhưng là thụt lùi trở lại 20-30 năm trước” - cô Paulina nói, nhắc đến khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, khẩu hiệu nổi tiếng trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump.

Thăm dò sát ngày bầu cử Mỹ: Bà Harris dẫn trước ông Trump với khoảng cách sít sao

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của tạp chí Forbes, công bố ngày 31-10, 49% cử tri được hỏi cho biết họ ủng hộ bà Harris, nhiều hơn 1% so với ông Trump.

Tuy nhiên, khoảng 10% cử tri chưa đăng ký và 16% cử tri đã đăng ký cho biết họ vẫn có thể thay đổi quyết định vào phút chót.

Bà Harris cũng dẫn trước ông Trump với tỉ lệ 49%-47% trong cuộc khảo sát do tờ Economist công bố hôm 30-10. Kết quả khảo sát cho thấy sự thu hẹp trong khoảng cách giữa ông Trump với bà Harris so với tỉ lệ 49%-46% vào tuần trước.

Cuộc thăm dò do hãng tin Reuters công bố hôm 29-10 cũng cho thấy bà Harris vượt qua ông Trump với tỉ lệ rất sít sao, 44% so với 43%.

1% chênh lệch nằm trong biên độ sai số của các cuộc thăm dò nên không thể khẳng định chắc chắn ai người dẫn đầu.

Đọc thêm