Tuyến đập chính hồ Kapét, Bình Thuận nằm trên tầng địa chất yếu

(PLO)- Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu, có nguyên nhân khách quan là do có thông tin không chính xác từ báo chí, mạng xã hội.

Ngày 26-3, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) gởi Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT.

Phối cảnh hồ Kapét, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Theo đó, đến nay, Sở NN&PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát, đăng ký diện tích thực hiện trồng rừng thay thế và được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra thực tế xác định được tổng diện tích phải thực hiện trồng rừng thay thế cho dự án là 1.845 ha.

Đã hoàn thành lập phương án sơ bộ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án với tổng diện tích đất bị thu hồi 32,2 ha của 25 hộ gia đình cá nhân với kinh phí dự kiến khoảng 64 tỉ đồng.

Đến nay đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi theo tài liệu địa hình địa chất khảo sát bổ sung gửi đơn vị tư vấn thẩm tra.

Sau khi xem xét toàn diện kết quả khảo sát địa chất và phương án thiết kế đơn vị thẩm tra thấy rằng, địa chất tại vị trí tuyến đập chính có điều kiện địa chất nền không thuận lợi.

Cụ thể vị trí tuyến đập nằm trên tầng địa chất yếu (là đới đá phong hoá vừa xen kẹp phong hóa mạnh ảnh hưởng đến độ an toàn của tuyến đập) sẽ gây khó khăn trong quá trình xây dựng. Hiện nay, Chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn rà soát, tính toán các phương án thiết kế phù hợp với nền địa chất tại vị trí tuyến đập chính để lựa chọn phương án tối ưu nhất cho Dự án.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét đến nay tiến độ còn chậm so với yêu cầu, có nguyên nhân khách quan là do có thông tin không chính xác từ báo chí, mạng xã hội.

Tỉnh Bình Thuận họp báo thông tin về dự án hồ Kapét.

Do đó phải thận trọng rà soát, cân nhắc lại quy mô đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cạnh đó, trong quá trình tổ chức khảo sát địa chất thì tại vị trí tuyến đập chính bố trí hiện nay nằm trên tầng địa chất yếu nên đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án cần có thời gian để nghiên cứu, xem xét xử lý lớp địa chất này.

Được biết, đơn vị tư vấn sẽ xem xét xử lý lớp địa chất nói trên hoặc dịch chuyển có mức độ vị trí tuyến để nền đập có địa chất tốt hơn nhưng không làm thay đổi dung tích hồ, không tăng quy mô và chi phí xây dựng.

“Ngoài ra có nguyên nhân chủ quan là sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư, sự phối hợp chưa tốt của các sở, ngành, địa phương có liên quan và sự chỉ đạo chưa thật sự hiệu quả của UBND tỉnh Bình Thuận”, báo cáo nêu.

Đối với công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đã thực hiện từ ngày 23-2-2024, trình Bộ TN&MT trước ngày 10-4-2024 và dự kiến kết thúc 30-5-2024.

Riêng công tác hoàn thiện các thủ tục hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, đã thực hiện từ ngày 25-6-2023, dự kiến trình Bộ NN&PTNT thẩm định ngày 30-4-2024 và kết thúc 6-6-2024.

“UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường để sớm đủ điều kiện phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo”, báo cáo kiến nghị.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư ngày 24-6-2023 gồm các hạng mục hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3 cùng hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025. Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

Mục tiêu của dự án còn phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới