Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội- Hà Đông: Được triển khai xây dựng bằng vốn ODA

Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ 2 trong số 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội đã được quy hoạch, sau tuyến số 1- tuyến đường sắt trên cao Yên Viên- Ngọc Hồi. Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển GTVT cũng như kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Đây còn là một dự án đặc thù: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết hợp với kinh doanh vận tải, cơ chế tài chính chưa có tiền lệ, công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Chủ đầu tư của dự án là Cục Đường sắt Việt Nam, đại diện chủ đầu tư: Ban quản lý các dự án 18 (PMU18), Tư vấn: Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI).

Sau khi nghiên cứu, phân tích các phương án tối ưu, mới đây nhất tư vấn đã điều chỉnh xây dựng phương án tuyến đường sắt Hà Nội- Hà Đông dài hơn 13 km với 12 ga dọc tuyến thay cho 14,828 km với 14 ga như trước đây. Trên toàn tuyến, chỉ có phương án đi trên cao. Đoạn từ ga Hà Nội- Cát Linh theo phương án trước đây là đi ngầm thì nay không làm ở tuyến này mà chuyển sang tiếp nối với tuyến khác.

Cũng vì vậy dự án không chia làm 2 giai đoạn như trước nữa, chỉ xây dựng một giai đoạn từ Cát Linh đến Hà Đông. Dự án có điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là bến xe Hà Đông mới với mức đầu tư khoảng hơn 400 triệu USD.

Được biết, tuyến Metro số 2 này sẽ là tuyến giao thông đường sắt chủ chốt trong mạng lưới giao thông đường sắt nội đô TP Hà Nội theo hướng từ Đông Bắc sang Tây Nam. Tuyến đường sẽ nối liền TP Hà Nội với quận Hà Đông với 12 ga bao gồm: ga Cát Linh, Đê La Thành, ga Thái Hà, ga Đường Láng, ga ngã tư Sở, ga Đại học Quốc gia, ga Vành đai 3, ga Thanh Xuân, ga Bến xe Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê và ga Hà Đông. Theo các chuyên gia Trung Quốc, tuyến đường sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2010 với 4 toa xe gồm hai toa kéo, hai toa động cơ. Thời gian hoạt động từ 5 h sáng đến 22 h với thời gian vận hành 17h/ngày.

Lưu lượng vận chuyển từ 10-15 vạn khách/ngày trong giai đoạn đầu và 40- 45 vạn khách/ngày với giai đoạn sau.

Ga trên cao được thiết kế theo kiểu nghiêng, khoảng cách giữa đường trung tâm với giáp ranh sân ga là 1500 mm, độ cao mặt ray cách mặt sân ga là 1020 mm. Độ cao của giới hạn kiến trúc và giới hạn của khoảng cách giữa đáy kết cấu hoặc thiết bị với mặt ray là 4200mm.

Ga đặt tại một phía tuyến đường, gồm ga kiểu 2 tầng: tầng 1 là giá, tầng 2 là ga; Ga kiểu cầu 3 tầng: tầng 1 là giá, tầng 2 là phòng chờ, tầng 3 là sân ga. Ga kết hợp phần “kiểu cầu và kiểu xây”: dầm của đường sắt là cột đơn giản hoặc liên tục chống đỡ cho dầm thanh kết cấu khung, phần kết hợp lắp đệm cao su.

Ga sử dụng kết cấu này có các ga Cát Linh, Đường Láng, Hà Đông. Tiêu chuẩn áp dụng cho dự án dựa trên Quy phạm thiết kế Metro GB 50157- 2003. Bán kính đường cong tối thiểu R=300m, ga R=800m, khổ đường 1435mm, đường đôi. Toa xe loại B1, thân tàu dùng thép chịu khí hậu, tải trọng trục 14T. Tốc độ vận hành tối đa của tàu là 80km/h, bình quân 35km/h. Tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến.

Trước tính cấp bách của dự án, nguồn vốn đầu tư cho dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ xác định, cơ bản là vốn vay ODA và một phần vốn đối ứng. Theo Cục ĐSVN, lẽ ra dự án đã được triển khai trong quý I-2009, nhưng do có một số vướng mắc, dự án sẽ được triển khai xây dựng trong quý II năm 2009.

Theo Hồ Thu  ( GTVT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm