Tuyển sinh 2023: Đơn giản hóa đăng ký xét tuyển để giảm nhầm lẫn cho thí sinh

(PLO)-  Bộ GD&ĐT sẽ đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển (đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành), giảm tối đa thí sinh nhầm lẫn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2023. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho hay, công tác tuyển sinh 2022 cơ bản giữ ổn định.

Nhiều phương thức xét tuyển chưa hiệu quả

Những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ có kết quả tích cực. Thí sinh thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.

Các cơ sở đào tạo (CSĐT) cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất, tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh.

Theo kết quả tuyển sinh của CSĐT, tổng số thí sinh nhập học là 521.263 đạt 83,39%, cao hơn năm 2021 và 2020. Trong số 330 CSĐT, có 194 CSĐT (58,67%) tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

So với nhiều năm trước đây, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi lựa chọn các ngành học tốt nhất cho thí sinh. Bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn những sai sót, bất cập cần phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, bởi mỗi sai sót nhỏ có thể tác đông rất lớn đến toàn hệ thống – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Về phương thức xét tuyển, thí sinh nhập học theo phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT và xét học bạ đạt tỉ lệ cao nhất với 47,98% và 37,18%.

Một số CSĐT hiện còn đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển, trong đó nhiều phương thức chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít.

Đơn cử, thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển có tỉ lệ 0,50%; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển 0,01%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển 0,25%; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển 0,13%; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển 0,27%; Xét tuyển qua phỏng vấn 0%...

Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tuyển sinh 2023. Ảnh: T.AN

Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tuyển sinh 2023. Ảnh: T.AN

Một số CSĐT cũng gặp khó khi tuyển sinh ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Bốn lĩnh vực nông-lâm-nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đứng đầu danh sách tuyển sinh kém nhất trong 3 năm liền.

Về công tác tuyển sinh 2023, bà Thủy cho biết cơ bản giữ ổn định. Bộ lưu ý, CSĐT cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, loại bỏ cách làm không hiệu quả, đồng thời tính toán đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Về phía mình, Bộ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 (hoàn thành thông báo trúng tuyển đợt 1 dự kiến ngày 14-8). Cạnh đó, tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ, đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển (thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành đào tạo), giảm tối đa nhầm lẫn.

Cũng từ 2023 việc áp dụng cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết quy chế tuyển sinh năm nay không thay đổi, chỉ điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên. Những quy định khác liên quan đến xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điểm bất cập các trường đã phản ánh, đề xuất, Vụ Giáo dục ĐH sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu.

“Bộ sẽ sớm hoàn thiện danh mục ngành thí điểm. Tuy nhiên, cũng phải nói thật với các thầy cô là số lượng ngành thí điểm rất lớn. Các trường thí điểm tuyển sinh nhưng thực sự nhiều ngành chỉ là chương trình mới hay là chuyên ngành mới chứ không phải ngành mới... Việc này, năm 2022, chúng ta đã có thông tư quy định về danh mục ngành đào tạo, trong đó có xây dựng ngành thí điểm. Chúng tôi sẽ thúc đẩy để hội đồng, các ban chuyên môn sớm có văn bản ban hành năm nay”- ông nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại hội nghị. Ảnh: TTTTGD

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại hội nghị. Ảnh: TTTTGD

Thứ trưởng lưu ý các trường sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh. Cục CNTT phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu. Theo ông, năm nay có điểm mới về mặt kỹ thuật. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, Bộ đã hoàn thành, nghiệm thu và tập huấn cho các trường đại học để sử dụng.

“Ngay năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Việc kết nối giữa phần mềm tuyển sinh và cơ sở dữ liệu này được thực hiện từ năm 2022 và nay sẽ tiếp tục làm. Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh từ xác định chỉ tiêu cho đến việc đăng ký nhập học sau này sẽ liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS”- ông nói và cho biết Bộ sẽ hướng dẫn chi tiết, thời hạn cụ thể để CSĐT hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong tháng 3.

Thứ trưởng lưu ý các Sở GD&ĐT hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho học sinh, đặc biệt là các em lớp 12 về mã định danh, căn cước, đảm bảo nhất quán, chính xác.

“Các trường đại học tổ chức thi riêng, tổ chức thi năng khiếu có thể làm việc với Bộ GD&ĐT để chúng tôi mở Cổng và cập nhật dữ liệu này lên, nhất là chúng ta tổ chức các kỳ thi có kết quả nhiều trường sử dụng. Việc cập nhật dữ liệu lên đây sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh. Không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác, trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu… để có thể tổ chức xét tuyển chung”, ông cho hay.

Đối với trường tổ chức xét tuyển sớm, Thứ trưởng nhấn mạnh không được phép công bố thí sinh trúng tuyển, cũng như yêu cầu các em nhập học trước thời điểm quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm