Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2024 dự kiến của các trường ĐH tại TP.HCM, hàng loạt ngành học mới tiếp tục được mở để bắt đầu tuyển sinh. Trong đó có nhiều ngành học liên quan đến công nghệ thông minh, điện tử.
Đào tạo công nghệ tự động trong trường kinh tế
Năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) tuyển sinh 7.900 chỉ tiêu cho 56 chương trình học tại TP.HCM và 630 chỉ tiêu cho 16 chương trình học tại Vĩnh Long. So với năm trước, UEH tăng 100 chỉ tiêu tuyển sinh để mở mới hai chương trình đào tạo là công nghệ nghệ thuật (ArtTech,) điều khiển thông minh và tự động hóa.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một chương trình ArtTech chuyên sâu được đưa vào đào tạo bậc ĐH tại Việt Nam.
Theo TS Dong Su Yi, Phó Trưởng khoa Thiết kế - Truyền thông của UEH, công nghệ nghệ thuật là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ. Các phương tiện truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc truyền thống được kết hợp với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác để tạo ra những trải nghiệm độc đáo.
Về chương trình điều khiển thông minh và tự động hóa, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác của UEH, chia sẻ đó là chuyên ngành giúp sinh viên hiểu kỹ thuật, công nghệ và vận hành, quản trị sản xuất. Từ đó tạo ra các giải pháp ứng dụng công nghệ để làm cho một hệ thống trở nên tự động, không cần sự can thiệp của con người.
Giai đoạn 2023-2030, ĐH Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch với 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch.
Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến mở hai ngành đào tạo mới là kinh tế số và kỹ thuật phần mềm. Còn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng tuyển sinh 63 ngành đào tạo. Trong đó, bảy ngành mới bắt đầu tuyển sinh đều liên quan đến công nghệ kỹ thuật gồm: Kinh tế số, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật nhiệt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thẩm mỹ và công nghệ tài chính.
Mở rộng đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
Trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, vi mạch nhưng nguồn nhân lực kỹ sư lại được dự báo thiếu hụt, nhiều trường ĐH trên cả nước đã mạnh dạn xây dựng đề án mở ngành học này để tuyển sinh, đào tạo từ năm học 2024-2025.
Tại TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã xây dựng đề án thí điểm đào tạo ngành thiết kế vi mạch bậc ĐH và mở ngành kỹ thuật máy tính bậc thạc sĩ có chuyên ngành thiết kế vi mạch trong năm 2024.
Theo đó, từ năm 2023 trường đã tuyển sinh thí điểm chuyên ngành thiết kế vi mạch với mã ngành riêng để đánh giá nhu cầu người học, đồng thời đề ra hướng thu hút nguồn sinh viên chất lượng cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, do đặc thù ngành học khó và yêu cầu thực hành chuyên sâu về phần cứng, nên mỗi năm trường chỉ cung ứng khoảng 30-60 kỹ sư, quá ít so với nhu cầu.
Do đó, từ năm 2024, trường mở ngành và dự kiến tuyển sinh 150 chỉ tiêu/năm. Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về quy trình thiết kế vi mạch, kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế vi mạch chuyên nghiệp, năng lực học tập, nghiên cứu và làm việc suốt đời trong lĩnh vực này.
Tương tự, năm nay Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dự kiến mở bốn ngành mới gồm thiết kế vi mạch, kinh tế xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng, khoa học dữ liệu.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết trường dự kiến tuyển sinh 100 chỉ tiêu cho ngành thiết kế vi mạch theo hướng chuyên sâu hoàn chỉnh (thực tế trường đã đào tạo chuyên ngành hẹp này hơn 15 năm). Đây là ngành học mới đang được các trường đẩy mạnh đào tạo, để theo học thí sinh cần nắm rõ thế mạnh của mình ở các môn khoa học tự nhiên, yêu thích lĩnh vực điện điện tử và máy tính nói chung.
“Ngành học mới lúc nào cũng khó nên các em cần có đam mê, quyết tâm, chịu khó tìm tòi, khám phá liên tục. Với nền tảng đào tạo chuyên ngành này hơn 15 năm, trường đã có những đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và những mối quan hệ với doanh nghiệp, từ đó sẽ hỗ trợ tốt nhất để các em yên tâm theo học” - PGS-TS Bùi Hoài Thắng chia sẻ thêm.
Nhân lực về kỹ thuật công nghệ chiếm tỉ trọng lớn nhất
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ năm 2020 đến giai đoạn 2025-2030, nhu cầu nhân lực cần qua đào tạo bình quân chiếm 85%. Trong đó, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỉ trọng 35%; nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính chiếm tỉ trọng 33%; nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỉ trọng 7%; các nhóm ngành khác chiếm tỉ trọng 3%-5%.
Thiết kế vi mạch là một trong bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TP.HCM, có nhu cầu nhân lực cao nhất giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, mỗi năm tăng trưởng hơn 15% nhu cầu công việc. Trong khi đó, đến năm 2030, Việt Nam cần tới 10.000 kỹ sư phục vụ trong lĩnh vực này và sẽ càng tăng mạnh sau đó. Tuy vậy, thực tế đào tạo ở Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.