Sáng 29-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng ba ủy viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã báo cáo tình hình trong nước và quốc tế cho khoảng 200 cán bộ cấp cao.
Không khí vui vẻ, góp ý thẳng thắn
Tại hội nghị, cán bộ cấp cao qua các thời kỳ đã nghỉ hưu đã nghe Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo một số vấn đề nổi bật về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh thời gian qua; nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày về công tác đối ngoại và nghe Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
“Các vị đương chức trình bày báo cáo khá chi tiết, cặn kẽ. Tiếp đó có ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương, Phó Thủ tướng, rồi ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, lên phát biểu ý kiến… Các ông ấy đều đánh giá tích cực tình hình kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, đồng thời đóng góp thẳng thắn nhiều vấn đề cho lãnh đạo đương chức” - ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dự hội nghị này chia sẻ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết đây là lần đầu tiên ông dự hội nghị gặp mặt như thế này. “Gặp mặt được như thế này là tốt. Nói chung, không khí vui vẻ” - ông Hoàng cho biết.
Chia sẻ về ý kiến của mình, ông Hoàng cho hay có đề nghị với các lãnh đạo đương chức là phải quyết liệt đổi mới. “Văn kiện nói đổi mới mạnh mẽ nhưng mình dùng từ đổi mới căn bản. Như thế Đảng mới giữ được vai trò tiên phong. Mà tiên phong thì Đảng mới giữ được vai trò lãnh đạo. Còn đương nhiên chống suy thoái là việc dứt khoát phải làm, rất cần thiết rồi”.
Còn ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, theo thuật lại của ông Vũ Quốc Hùng, có đề cập những thách thức cả bên trong và bên ngoài. “Ông Khoan góp ý là kinh tế tăng trưởng đấy nhưng chưa thực sự vững chắc đâu, còn phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp FDI nhiều quá. Rồi cạnh tranh Trung, Mỹ như vậy, các nước lớn đều cần, tranh thủ Việt Nam nhưng mình phải thận trọng…”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (thứ ba từ trái qua) với các cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu. Ảnh: TTXVN
Tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới
Sau khi lắng nghe ý kiến của các cán bộ cấp cao hưu trí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận.
Trong khoảng 10 phút, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước giải thích hội nghị này được tổ chức nhằm cung cấp những nét cơ bản, nổi bật nhất, có tính hệ thống về tình hình đất nước. Qua đó có thể hình dung về bức tranh tổng thể của đất nước để vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được trong ba năm qua, đặc biệt là năm 2018. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho biết vui mừng với những kết quả đạt được nhưng tinh thần chỉ đạo chung trong toàn hệ thống chính trị là tuyệt nhiên không được chủ quan thỏa mãn, không được say sưa với thắng lợi vì trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chủ quan, thỏa mãn dễ dẫn đến sai lầm.
“Thành tích đạt được thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực chung của toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp hết sức quý báu của các đồng chí nguyên lãnh đạo, các đồng chí lão thành. Không có đóng góp của các đồng chí - một lực lượng giàu trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm thì khó có thể đạt được kết quả như trên. Các đồng chí không những ủng hộ mà còn thường xuyên góp ý rất cụ thể, nghe thông tin gì phản ánh ngay. Điều quan trọng nữa, các đồng chí là hạt nhân ở tất cả vùng miền trên đất nước, là chỗ dựa hết sức vững chắc cho Đảng, cho hệ thống chính trị để xây dựng, triển khai thực hiện đường lối và kiểm tra, giám sát việc thực hiện” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh tình hình luôn biến đổi cả về lý luận và thực tiễn. Bối cảnh, tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới, vì vậy phải thích nghi với tình hình mới. Giữ cái cũ để áp dụng vào điều kiện mới là lạc hậu.
Với nhận thức ấy, Tổng Bí thư cho biết đang đổi mới trong công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. “Việc lấy ý kiến chuẩn bị văn kiện đại hội đã được triển khai từ sớm, các tiểu ban không chỉ gửi dự thảo xin ý kiến như trước mà đã mời các đồng chí tham gia ngay khâu đầu, từ việc xác định đề cương, tư tưởng, định hướng lớn. Còn cụ thể chính sách làm hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì làm sau” - Tổng Bí thư nói.
Giữ đạo đức là nền tảng của xã hội
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng chia sẻ những vấn đề lớn mà ông đang trăn trở: “Đến năm 2030 tròn 100 năm thành lập Đảng. Năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đây là những dấu mốc quan trọng nên chăng hướng tới để chúng ta vạch ra chủ trương, đường lối dài hạn hơn, trên cơ sở đường lối dài hạn đó phân ra từng bước đi. Giữa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đạo đức, lối sống… Cái bây giờ chúng ta lo chung có phải chăng kinh tế lên rồi nhưng vấn đề xã hội, đạo đức, văn hóa, lối sống, còn tình người không? Còn nề nếp trên dưới không? Hay trong quan hệ quốc tế chằng chịt, làm sao để giữ được độc lập tự chủ? Trong vấn đề văn hóa, soi đường cho quốc dân đi. Con người mới là yếu tố quyết định, đạo đức là nền tảng của xã hội chứ không thể chạy theo tăng trưởng…”.
Trước ý kiến đóng góp của các vị cán bộ cấp cao hưu trí, không chỉ tại hội nghị này mà còn qua các kênh trực tiếp, gián tiếp khác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ lòng trân trọng, cám ơn và chúc các vị nguyên lãnh đạo sức khỏe, thường xuyên đóng góp cho Đảng, cho đất nước, làm nòng cốt để xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc.
Đây là cuộc làm việc lần thứ tư từ sau Đại hội XII tới nay, do Ban Bí thư tổ chức để lãnh đạo đương nhiệm báo cáo, lắng nghe ý kiến của các nguyên lãnh đạo cấp cao. Ngoài các ủy viên Bộ Chính trị tới trình bày các báo cáo, cung cấp thông tin cho những cựu cán bộ cấp cao như nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng tham dự hội nghị quan trọng này… Số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu đến dự lần này lên đến khoảng 200 vị. “Các lần trước, khóa trước, Tổng Bí thư vẫn dự, phát biểu nhưng số lãnh đạo đương chức tới dự, báo cáo chỉ một, hai người. Còn cán bộ hưu như chúng tôi thì cũng chỉ khoảng 100. Lần này, nhiều anh em hưu ở các tỉnh cũng về dự được. Rất đáng quý” - ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chia sẻ. |