U-23 Việt Nam và “kiếp dự bị”

(PLO)- HLV Gong Oh-kyun nhìn nhận lứa U-23 Việt Nam sẽ trưởng thành hơn trong 1-2 năm nữa nhưng ông vẫn chưa biết việc nhiều học trò trở về CLB chỉ chơi giải hạng Nhất hoặc quen ngồi dự bị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cách đây hơn hai năm, HLV Park Hang-seo sau thất bại ở vòng bảng U-23 châu Á 2020 đã ngao ngán kêu gọi cần cho các cầu thủ U-23 Việt Nam (VN) ra sân nhiều hơn nữa ở những giải đấu quốc nội. Ông dẫn chứng đồng nghiệp dưới 23 tuổi của Thái Lan tỏa sáng ở giải trong nước là điều kiện tốt nhất để lên tuyển. Còn học trò của ông có nhiều người lên tuyển mới tỏa sáng nhưng nghiệt nỗi khi trở về CLB lại chìm đắm trên băng ghế dự bị, hoặc chỉ chơi giải hạng Nhất có tính cạnh tranh thấp hơn.

Nghịch lý khi những người hùng U-23 trở về CLB khó thoát “kiếp dự bị”. Ảnh: ANH DUY

Nghịch lý khi những người hùng U-23 trở về CLB khó thoát “kiếp dự bị”. Ảnh: ANH DUY

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương rất tâm đắc với lứa cầu thủ U-23 VN dưới thời HLV Gong Oh-kyun đã trình diễn một bộ mặt sáng sủa tại vòng chung kết U-23 châu Á, dù chỉ có vài ngày tập ráp đội hình. Tuy nhiên, điều ông Xương băn khoăn nhất vẫn là những cơ hội cọ xát không chỉ ở đấu trường quốc tế mà còn tại các cuộc chơi trong nước. Rõ ràng U-23 VN đang thiếu nhiều sân chơi, sau khi Asiad 19 dự kiến diễn ra tại Trung Quốc bị hủy thì phải chờ đến năm sau họ mới có thể góp mặt ở SEA Games tổ chức tại Campuchia.

Trong khi đó, dàn quân của ông Gong trở về CLB có hơn nửa lực lượng mài mòn trên ghế dự bị, hoặc ít đất diễn từ V-League cho đến giải hạng Nhất. Các trung vệ khoác áo tuyển quốc gia như Thanh Bình, Việt Anh gần đây mới có chỗ đứng còn rụt rè tại Viettel, Hà Nội, hay thủ môn Văn Toản hơi xông xênh ở Hải Phòng, còn lại hầu hết ca bài “kiếp dự bị”.

Nhâm Mạnh Dũng, Danh Trung, Văn Khang khó tìm chỗ đứng ở Viettel hoặc chỉ là siêu dự bị chiến lược vào… cuối trận.

Nhâm Mạnh Dũng, Danh Trung, Văn Khang khó tìm chỗ đứng ở Viettel hoặc chỉ là siêu dự bị chiến lược vào… cuối trận, tương tự Đình Lâm không có cửa tại HA Gia Lai, thủ môn Văn Chuẩn, Hai Long chờ thời ở Hà Nội, hay Lý Công Hoàng Anh (Bình Định), Văn Công (Hà Tĩnh), Duy Cương (SHB Đà Nẵng)… chỉ là các phương án 2, 3. Những tài năng trẻ như Tuấn Tài, Công Đến, thủ môn Tuấn Hưng, tiền đạo Minh Bình… hành nghề ở các đội hạng Nhất Đắk Lắk, Phố Hiến, CAND cũng khó thăng tiến nhanh hơn chỉ sau 1-2 năm như mong mỏi của thầy Gong.

Do không từng trải và thiếu kinh nghiệm cọ xát đỉnh cao, có những tình huống U-23 VN xử lý còn non nớt ở giải U-23 châu Á khiến cả bản thân họ cũng nuối tiếc, như bàn thua thứ hai trước Thái Lan hay tình huống đầu để Saudi Arabia mở tỉ số.

Cầu thủ trẻ VN thiếu kinh nghiệm là bài toán khó của các nhà làm bóng đá khi chưa tìm ra lời giải từ thời HLV Park Hang-seo gần năm năm trước cho đến sắp sửa đàn em người Hàn Gong Oh-kyun phải tự tìm cách vượt khó.•

Cầu thủ trẻ khó cạnh tranh trên tuyển quốc gia

HLV Park Hang-seo từng bị cho là bảo thủ vì rất hiếm hoi ông sử dụng các cầu thủ trẻ trên đội tuyển quốc gia. Ông thầy người Hàn nói rõ chất lượng của cầu thủ trẻ không tốt như nhóm học trò cũ từng trải qua nhiều mùa bóng và việc sử dụng cầu thủ có kinh nghiệm giúp ông an tâm hơn. Ông Park cũng chỉ ra nguyên do cầu thủ trẻ thiếu cọ xát bởi CLB thường xuyên sử dụng ngoại binh ở các vị trí quan trọng.

VFF từng có giải pháp cho các CLB đá bằng đội hình 2 có nhiều cầu thủ trẻ, một ngày sau trận đấu giải chính thức nhưng nó tồn tại không lâu vì tốn kém và chơi vào buổi sáng không hiệu quả. Gần đây, các nhà làm bóng đá đưa ra đề xuất mỗi CLB bắt buộc sử dụng hai cầu thủ dưới 23 tuổi trong đội hình ở mỗi trận đấu, cuối cùng cũng phá sản. TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm