“Chúng tôi cho rằng chính quyền đang thay đổi các quy định. Mọi việc trở nên khó khăn với Uber khi điều hành công việc kinh doanh tại đây”, Emilie Potvin, người phụ trách về chính sách của Uber ở thị trường Bắc Á, trả lời Nikkei Asian Review.
Bộ Giao thông và truyền thông Đài Loan đưa ra các quy định mới vào tháng 2-2019 cấm tài xế Uber đón khách dọc đường, buộc Uber tính phí theo tiếng hoặc theo ngày đối với dịch vụ thuê xe thay vì tính theo quãng đường khách đi. Bộ này đưa ra thời hạn 60 ngày để người dân góp ý. Nếu thuận theo số đông, sau ngày 26-4 quy định mới sẽ được áp dụng.
Với gần 3 triệu người sử dụng và trên 10.000 tài xế trong dịch vụ vận chuyển (UberX, Uber Black và Uber Taxi) và dịch vụ giao nhận thức ăn (Uber Eats), Đài Loan là một trong số ít các nước ở châu Á mà hãng này còn trụ được.
Xung đột giữa Uber và chính quyền hòn đảo có thể ảnh hưởng chương trình trao đổi giữa Bộ Khoa học Công nghệ Đài Loan với Uber. Theo đó, kỹ sư địa phương sẽ được đưa đến tổng hành dinh của Uber ở Silicon Valley nhằm học hỏi công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) của Uber. Kế hoạch hình thành các thành phố thông minh tại Đài Loan cũng có thể bị trì hoãn.
“Tôi cho rằng mọi việc hiện giờ chỉ là dấu hỏi. Nếu các quy định này được thực hiện, chúng tôi buộc phải xem xét lại tất cả các dự án của Uber tại đây”, Potvin phát biểu.
Uber chuyển nhượng các hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab vào năm ngoái và cũng thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc để nhường chỗ cho ứng dụng gọi xe Didi Chuxing vào năm 2106. Hiện chưa rõ có nhà đầu tư nào sẵn sàng mua lại thị phần của Uber tại Đài Loan hay không.
Uber hiện diện thật khiêm tốn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong – các thị trường mà Uber có ít người sử dụng hoặc dịch vụ rất hạn chế. Tại Nhật Bản, Uber Taxi hợp tác với các hãng taxi địa phương để hoạt động tại 6 thành phố.
Nói về vấn đề này, ông Chen Wen-juei, Vụ trưởng Đường sắt và Cao tốc Đài Loan phát biểu: “Chúng tôi chào đón Uber hoạt động tại Đài Loan và quy định mới không nhằm đánh Uber.” Ông Chen cho biết Uber được tự do hợp tác với các công ty cho thuê xe hay taxi truyền thống, nhưng mỗi lĩnh vực có quy định riêng và Uber buộc phải tuân theo.
Các tài xế địa phương cũng cho rằng Uber đang đe dọa sinh kế của họ và buộc hãng này phải hoạt động trong khuôn khổ giống như các hãng taxi khác.
Đài Loan có hơn 87.000 taxi có đăng ký với tỷ lệ trống xe là 29,4% trong năm 2017. Thu nhập hàng tháng của tài xế taxi giảm 3% còn 1.493 USD trong giai đoạn 2015-2017 trong khi chi phí lại tăng 1,2%.
“Uber nói họ là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ nhưng hiện tại họ hoạt động như các hãng taxi truyền thống tại Đài Loan mà không hề bị quản lý như chúng tôi”, Cheng Li-chia, chủ tịch Công đoàn tài xế chuyên nghiệp Đài Loan nhận xét.
Uber từng rút khỏi Đài Loan vào tháng 2-2017 khi hãng này bị phạt 10 triệu USD. Sau khi quay lại thị trường này, Uber hợp tác với khoảng 200 hãng cho thuê xe địa phương thay vì làm việc trực tiếp với từng tài xế.
Uber chật vật tại thị trường Đài Loan sau khi hãng gọi xe đối thủ Lyft niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ từ cuối tháng 3-2019. Hãng dự định sẽ lên sàn trong năm nay.
Cuối tháng 3 vừa qua, Uber tuyên bố chi 3,1 tỉ USD để mua lại đối thủ Careem đặt tại Dubai nhằm bước chân vào thị trường gọi xe ở Trung Đông.