Theo đó, đơn vị này yêu cầu làm rõ các yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế, mối liên quan giữa việc chuyển nhượng và quyền bỏ phiếu tại cơ quan quản lý của doanh nghiệp bị kiểm soát (Công ty TNHH Uber Việt Nam) để chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị kiểm soát.
Đồng thời, lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp kiểm soát thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát.
Hồi đồng cạnh tranh yêu cầu điều tra bổ sung thương vụ Uber mua Grab. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, quy mô của Công ty TNHH Grab sau khi tập trung kinh tế có thuộc loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật không? Làm rõ mảng hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty Uber B.V liên quan đến dịch vụ trung gian kết nối vận tải và vai trò của các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong hành vi được tiến hành điều tra.
“Xác định các tác động làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh của hành vi tập trung kinh tế trên thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe với lái xe ô tô dưới 9 chỗ trong điều kiện đang thực hiện thí điểm loại dịch vụ này…”, Hội đồng nhấn mạnh.
Về xác định thị trường liên quan, Hội đồng cạnh tranh đề nghị xác định rõ khả năng thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả của dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe với lái xe ô tô dưới 9 chỗ trên nền tảng phần mềm của nền tảng phần mềm và tổng đài căn cứ theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Hội đồng cạnh tranh cũng yêu cầu, xác định chính xác số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe với lái xe ô tô dưới 9 chỗ tại thời điểm xảy ra hành vi tập trung kinh tế. Đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe với lái xe ô tô dưới 9 chỗ.
Xác định lại doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kết nối vận tải hành khách giữa người đi xe với lái xe ô tô dưới 9 chỗ…. Đặc biệt, đối với đề xuất biện pháp xử lý cần xác định được chủ thể bị đề nghị xử lý vi phạm và chủ thể chịu trách nhiệm liên đới trong vụ việc….
Trước đó vào giữa tháng 12-2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng công bố kết quả điều tra thương vụ Grab mua Uber. Theo đó, cơ quan này xác định việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm hành vi không thông báo tập trung kinh tế và tập trung kinh tế bị cấm. Các hành vi này được quy định trong Luật Cạnh tranh. Sau đó, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Ngày 12-2, trả lời Pháp Luật TP Hồ Chí Minh về sự việc này đại diện Grab tiếp tục khẳng định đơn vị đã tiến hành giao dịch với Uber với sự tin tưởng rằng việc thực hiện giao dịch này là không vi phạm pháp luật về cạnh tranh sau khi tham vấn một cách cẩn trọng với các chuyên gia pháp lý.
“Điểm mấu chốt có thể nằm ở sự khác biệt trong cách hiểu và giải thích của cơ quan quản lý cạnh tranh và của chúng tôi về thị trường liên quan cũng như những đặc điểm cấu thành một thị trường cạnh tranh…”, đại diện Grab nói.
Thực tế, cho đến nay, Grab khẳng định sự năng động và cạnh tranh của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, với hàng loạt các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, giới thiệu thêm nhiều ứng dụng nhằm thúc đẩy tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn luôn hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý cạnh tranh trong quá trình điều tra. Trong các buổi làm việc, chúng tôi luôn mong muốn các cơ quan chức năng xem xét đến sự hấp dẫn và năng động không ngừng của thị trường Việt Nam, nơi sự lựa chọn về phương thức di chuyển luôn nằm trong tay người tiêu dùng. Những sự lựa chọn đó có thể là giao thông công cộng, vẫy taxi trên đường… Còn các đối tác tài xế tiếp tục có thể lựa chọn chuyển sang tham gia các công ty khác nếu họ cảm thấy cơ hội gia tăng thu nhập không được đảm bảo…”, Grab nhấn mạnh.