Ông Trần Sâm được cha tặng 34.500 m2 đất tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Năm 2009, ông Sâm được UBND huyện Vạn Ninh cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) trong thửa đất trên và chuyển nhượng cho người khác.
Phần còn lại hơn 18.000 m2, ông Sâm trồng hoa màu, nuôi thủy sản.
Tòa hủy quyết định xử phạt của chủ tịch huyện
Ngày 12-3-2021, chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Sâm 11 triệu đồng về hành vi chiếm hơn 580 m2 đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. Vị trí vi phạm là một phần thửa đất số 6, tờ bản đồ số 2 thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh.
Ngày 11-5-2021, chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh ra quyết định cưỡng chế buộc ông Sâm thực hiện biện pháp khắc phục, trả lại đất nên ông Sâm đi kiện.
Ông Trần Sâm đang xin cấp giấy chứng nhận cho hơn 18.000 m2 đất trồng hoa màu, nuôi thủy sản. Ảnh: HH |
TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Sâm, tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh.
Tòa nhận định công chức địa chính xã Vạn Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Sâm về hành vi chiếm đất rừng sản xuất là không đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Công chức địa chính này cũng không đủ thẩm quyền để đo vẽ sơ đồ vị trí ranh giới vi phạm. Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh căn cứ vào sơ đồ trên để ra quyết định xử phạt là chưa đảm bảo giá trị pháp lý.
Đồng thời, UBND xã Vạn Thạnh dựa vào sổ dã ngoại, bảng thống kê diện tích, sổ mục kê lập năm 2007 để cho rằng ông Sâm chiếm đất rừng do xã quản lý. Tuy nhiên, những sổ sách trên lập sau khi thửa đất của ông Sâm đã được UBND xã Vạn Thạnh xác định là đất do cha ông Sâm khai hoang hồi năm 2002 và được chuyển nhượng cho ông Sâm sử dụng hợp pháp.
Do đó, tòa nhận định UBND xã Vạn Thạnh xác định ông Sâm chiếm đất của xã quản lý là chưa chính xác. Mặt khác, theo Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp xã quản lý đất công ích, đất bãi bồi ven sông, ven biển; quản lý đất chưa sử dụng mà không quản lý đất rừng sản xuất.
Ông Sâm bị phạt hành chính về hành vi chiếm đất rừng sản xuất nhưng tòa xác định là đất do cha ông Sâm khai hoang hồi năm 2002 và được chuyển nhượng cho ông Sâm sử dụng hợp pháp.
Từ đất rừng sản xuất thành đất trồng phi lao không sử dụng
Ngoài việc khởi kiện quyết định xử phạt hành chính, ông Sâm còn kiến nghị cấp GCN hơn 18.000 m2 còn lại. Tuy nhiên, UBND xã Vạn Thạnh từ chối giải quyết.
Trả lời PV về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh nói theo báo cáo của UBND xã Vạn Thạnh, ông Sâm không liên hệ UBND xã và công chức địa chính để thông báo đo đạc thực hiện đo vẽ.
UBND huyện Vạn Ninh cho rằng qua kiểm tra, phần diện tích hơn 18.000 m2 trên được đo vẽ từ thửa đất số 6, tờ bản đồ số 2 do Nhà nước quản lý. Hiện trạng là rừng phi lao chống cát trôi và từ trước đến nay không ai sử dụng khu vực này.
Theo UBND huyện Vạn Ninh, khu vực này được quy hoạch là đất rừng sản xuất. UBND xã Vạn Thạnh nhận bàn giao quản lý rừng trồng phi lao chống cát trôi Đầm Môn từ Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong vào năm 2022. Do đó, ông Sâm kiến nghị cấp GCN là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.
Trong khi đó, theo bản án của TAND tỉnh Khánh Hòa, năm 2002, UBND xã Vạn Thạnh đã xác nhận quyền sử dụng 34.500 m2 đất này cho cha ông Sâm. Sau đó, ông Sâm quản lý sử dụng hợp pháp. Đến năm 2009, ông Sâm được cấp hai GCN trên thửa đất này và còn lại phần diện tích hơn 18.000 m2.
Cũng chính UBND xã Vạn Thạnh khi lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Sâm vào ngày 21-1-2021 cho rằng đây là đất rừng sản xuất do xã quản lý.
Thế nhưng sau khi bản án nhận định việc xác định nguồn gốc đất này là không đúng quy định pháp luật, UBND xã Vạn Thạnh lại cho rằng đây là đất trồng phi lao xã nhận quản lý vào năm 2022 để từ chối việc cấp GCN.
Đất rừng trồng phi lao mới thuộc xã quản lý từ năm 2020
Năm 2020, UBND huyện Vạn Ninh có văn bản giao các xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh quản lý, bảo vệ rừng trồng phi lao trong khi chờ các sở, ngành thiết lập hồ sơ đo đạc, xác định diện tích.
Như vậy, UBND xã Vạn Thạnh căn cứ vào sổ dã ngoại năm 2007 để xác định thửa đất số 6, tờ bản đồ số 2 loại đất rừng sản xuất, hiện trạng cây keo do UBND xã quản lý là không đúng quy định pháp luật và không hợp lý về thời gian.
(Nhận định của HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa)