Đáng tiếc, chợ xây xong không có tiểu thương vào buôn bán nên ông Thạch Anh phải một mình ôm nợ. Nhiều bạn đọc thắc mắc trong trường hợp trên, UBND xã Tam Hiệp có phải chịu trách nhiệm gì với người dân hay không.
Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu ý kiến: Việc UBND xã vận động người dân xây dựng chợ cần xem xét rõ các bên có thỏa thuận gì không. Nếu có thỏa thuận (kể cả bằng miệng) thì căn cứ vào đó để giải quyết.
Ngoài ra, khi xét tiêu chí xã văn hóa thì việc có chợ này tác động, ảnh hưởng như thế nào đến kết quả? Nếu chợ đó góp phần đáng kể để xã đạt danh hiệu trên thì trước thiệt hại của chủ đầu tư, xã phải có trách nhiệm bởi nếu không vì sự vận động của xã, người dân đã không mắc nợ như bây giờ.
Ông Thạch Anh và ngôi chợ bỏ hoang. Ảnh: Đông Hà
UBND xã đã không dự liệu hết tình huống nên mới xảy ra sự việc chợ xây xong phải bỏ hoang. Nếu tiểu thương vào chợ buôn bán thì đó là chủ trương đúng đắn, cả người dân và Nhà nước cùng có lợi. Người dân có thu nhập, Nhà nước đạt tiêu chí về quản lý. Tuy nhiên, do chủ trương không phù hợp nên dự án thất bại thì không thể để người dân chịu thiệt một mình. Rõ ràng đây là một sự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và UBND xã.
Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì chủ đầu tư có thể khởi kiện UBND xã ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ để khởi kiện đó là có thiệt hại thực tế và UBND xã cũng đã thừa nhận việc vận động người dân xây chợ nhưng không lường trước được hậu quả, tức đã có lỗi trong vụ việc này. Chủ tịch UBND xã và bí thư xã vận động người dân xây chợ là đại diện cho UBND chứ không phải làm vì cá nhân họ nên trong trường hợp này UBND xã phải chịu trách nhiệm.