Ôm nợ nửa tỉ vì… nghe lời xã

Để đạt tiêu chí xã văn hóa, xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại, Bến Tre) đã vận động một hộ dân vay tiền làm chợ. Nghe theo lời vận động này, người dân đã liều vay hàng trăm triệu đồng xây chợ để rồi ngậm đắng.

Vay nợ xây chợ rồi phải bỏ hoang

Thời gian qua, ông Trần Văn Thạch Anh ( 59 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tam Hiệp) nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương xã Tam Hiệp, UBND huyện Bình Đại và tỉnh Bến Tre đòi UBND xã Tam Hiệp phải bồi thường thiệt hại tài sản cho gia đình ông do đầu tư xây chợ nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng.

Theo đơn ông Thạch Anh trình bày, tháng 5-2010, ông Trương Văn Dũng, Bí thư xã Tam Hiệp và bà Võ Thị Đạm Tuyết, Chủ tịch UBND xã thời đó, đã đến nhà vận động ông bỏ tiền, xây dựng chợ nhằm đạt tiêu chí để xã Tam Hiệp lên xã văn hóa. Các cán bộ này cho rằng đất của gia đình ông Thạch Anh gần bến phà Tam Hiệp và nằm trong quy hoạch nên xây chợ rất có tiềm năng.

 “Lúc đó tôi nói không có tiền, hai cán bộ nhiều lần đến nhà vận động tôi đi vay mượn và hứa khi chợ xây xong xã sẽ trực tiếp đứng ra vận động bà con tiểu thương ở chợ “chồm hổm” gần đó vào buôn bán. Tôi tin tưởng và muốn giúp xã lên xã văn hóa nên nhận lời” - ông Thạch Anh nêu trong đơn.

Sau đó, ông đã đốn bỏ vườn nhãn đang cho trái, vay nợ gần 300 triệu đồng đầu tư san lấp mặt bằng, xây nhà lồng chợ rộng 300 m2. Phần nợ vay và thiệt hại tài sản do đầu tư làm chợ khoảng 500 triệu đồng. Không ngờ, sau ngày khánh thành rầm rộ, chợ Tam Hiệp rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ vì không tiểu thương nào chịu vào mua bán.

“Tôi nhiều lần đến gặp lãnh đạo xã nhưng đều bị né tránh. Việc xây chợ chỉ giúp xã lên xã văn hóa chứ không phục vụ cho lợi ích của bà con, còn gia đình tôi thì phải ôm nợ và trả lãi 1%/tháng. Chúng tôi đang phải đi làm mướn để trả nợ nên đã kêu cứu từ năm 2012 tới nay” - ông Thạch Anh bức xúc nói.

Ông Thạch Anh bên cái chợ bỏ hoang. Ảnh: Đ.HÀ

Không bồi thường vì không có quy định

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp đương nhiệm, thông tin việc vận động gia đình ông Thạch Anh xây chợ là do lãnh đạo tiền nhiệm. Xã đã nhiều lần cố gắng vận động tiểu thương từ chợ “chồm hổm” vào chợ mới nhưng không đạt được kết quả.

Năm 2014, UBND xã, huyện và các sở, ngành tỉnh đã họp bàn và đưa ra hướng giải quyết cho ông Thạch Anh. Theo đó, hoặc là người dân bán lại phần đất đã xây chợ cho Nhà nước theo giá quy định; hoặc chuyển đổi công năng của chợ thành cơ sở may gia công. Tuy nhiên, cả hai cách này ông Thạch Anh đều không đồng ý.

“Đối với việc đòi bồi thường thiệt hại mà người dân yêu cầu thì không thể giải quyết vì pháp luật không có quy định và địa phương cũng không có ngân sách để làm” - ông Thọ lý giải. Tuy nhiên, ông Thọ thừa nhận khi vận động xây chợ lãnh đạo xã tiền nhiệm do áp lực của việc đạt xã văn hóa nên đã không lấy ý kiến của tiểu thương ở chợ cũ. Hậu quả là khi xây xong chợ mới thì tiểu thương không chịu vào.

Nói về cái khó của mình, ông Thạch Anh trình bày: “Gia đình tôi có miếng đất nhỏ nếu bán cho Nhà nước cũng không đủ trả nợ, mà bán rồi chúng tôi ở đâu? Chuyện làm xưởng may cũng không thể vì tôi không biết gì về ngành này và cũng không thể liều để vay nợ thêm”.

Về việc ông Thạch Anh tiếp tục gửi đơn khiếu nại, chủ tịch xã Tam Hiệp cho biết do chính quyền địa phương xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại và ngành chức năng của tỉnh đã giải quyết xong nên không xem xét nữa.

Xây dựng xã văn hóa lẽ ra phải để người dân thụ hưởng kết quả tốt từ phong trào nhưng trường hợp này thì ngược lại. Tôi thấy đau xót cho hoàn cảnh của ông Thạch Anh. Bây giờ căn nhà của ông xuống cấp mà không có tiền xây lại. Có ai ngờ nghe theo vận động, ủng hộ chủ trương của địa phương để cuối cùng một mình mình ôm nợ. Như vậy thật không thỏa đáng.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, 
nguyên là bí thư chi bộ ấp 3, xã Tam Hiệp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm