KTS NGUYỄN VĂN TẤT:

Để không còn chợ xây mới rồi bỏ hoang

“Với những thực trạng, con số đã nêu thì nhà báo… hơi làm biếng đấy” - KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP, hóm hỉnh khi đề cập đến vấn đề chợ bỏ hoang (Pháp Luật TP.HCM ngày 24-11). Theo ông Tất, tại TP.HCM còn nhiều trường hợp tương tự, nguyên nhân do tư duy xây chợ của chúng ta quá đơn giản.

Tư duy xây chợ đơn giản quá

. Ông nhận xét gì về hiện trạng một số chợ bị bỏ hoang trên địa bàn TP?

+ KTS Nguyễn Văn Tất: Đây không chỉ là câu chuyện của riêng TP.HCM mà còn là của cả nước lâu nay. Thực tế tại TP còn khá nhiều khu chợ hoạt động lâu năm nhưng chỉ có một số ít ỏi tiểu thương buôn bán dưới tầng trệt, còn tầng trên bỏ trống. Một ví dụ mà ai cũng biết là chợ Văn Thánh ở quận Bình Thạnh trước đây (hiện đã phải bỏ để làm dự án khác). Nghịch lý ở chỗ, ngay bên cạnh các chợ này thường có các chợ cóc mà chính quyền dẹp hoài không được.

. Vì sao lại có tình trạng này, do quy hoạch, xây dựng, kiến trúc hay tổ chức sắp xếp không gian chợ, thưa ông?

+ Khi đầu tư vào các dự án chợ, người ta đã không để ý đến quy luật (vốn rất khắc nghiệt) trong việc hình thành các không gian chợ, kiến trúc chợ, phố chợ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi những nơi tập trung đông đúc là “thị”: đô thị, phố thị, thành thị. Chợ là một trong những xuất phát điểm của rất nhiều đô thị.

Để không còn chợ xây mới rồi bỏ hoang ảnh 1

Mới đây chợ An Sương đã được TP cho sửa chữa, cải tạo, đưa vào sử dụng. Hiện quận 12 đã di dời hơn 500 tiểu thương từ chợ Bàu Nai và chợ Cầu vào buôn bán tại đây. Đây là một nỗ lực rất lớn của UBND quận 12. Dự kiến ngày 3-12, chợ An Sương chính thức khánh thành. Ảnh: V.HOA

Thời bao cấp, hàng hóa chính thống được phân phối ở những “kênh” như mậu dịch quốc doanh, bách hóa tổng hợp… Chợ chỉ là nơi buôn bán những thứ hàng hóa lặt vặt, ngoài luồng nên ít được chú trọng. Đến thời kỳ kinh tế thị trường, người ta vẫn đầu tư các dự án chợ một cách duy ý chí. Chợ vẫn được xây theo tư duy của mô hình bách hóa tổng hợp: cửa đóng then cài, mở-đóng cửa theo giờ hành chính. Rốt cuộc, nhiều chợ được xây lên nhưng hoang vắng, lạnh lẽo trong khi các điểm buôn bán quanh đó lại tấp nập hoạt động từ 3 giờ sáng đến 9 giờ đêm. Đáng lo ngại là cho đến bây giờ những nhận thức chưa đúng về việc xây chợ vẫn còn tồn tại.

. Các quy luật ông vừa nhắc đến cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Yếu tố đầu tiên là phải xác định được người bán, người mua là ai để có những loại hàng hóa, dịch vụ phù hợp, trên cơ sở đó hình thành loại chợ phù hợp. TP có rất nhiều chợ, mỗi chợ có một kiểu riêng, rất đặc trưng. Điều này giải thích vì sao có chợ Bến Thành mà khu chợ Cũ ở đường Hàm Nghi, quận 1 vẫn hoạt động tấp nập. Chợ Bến Thành vừa là chợ bán sỉ vừa là chợ du lịch, đối tượng khách hàng khác nhiều so với chợ Cũ. Còn ở chợ Cũ thì hàng hóa, đồ ăn thức uống vốn rất tươi ngon, đương nhiên giá cả cũng cao nên vẫn thường được gọi là “chợ nhà giàu”. Nhưng khu vực xung quanh vẫn còn khá nhiều chợ khác, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau và chính sự khác biệt này tạo nên phong cách riêng của mỗi chợ.

Yếu tố thứ hai là dịch vụ quanh chợ, gọi là phố chợ. Xung quanh bất kỳ một chợ truyền thống nào cũng đều có cửa hàng, quán ăn, tiệm bán tạp hóa, thuốc Tây, đồ sắt… Phố chợ này thường không thuộc dự án xây chợ nhưng không có nó thì chợ có thể không “chạy” được. Phố chợ không hình thành cùng lúc với chợ mà cứ mọc dần, hoàn thiện dần theo quy luật ở đâu có đông người thì ở đó có dịch vụ. Điều này lý giải tại sao ngày xưa, những người giàu có chịu chi tiền ra xin Nhà nước xây chợ. Lợi nhuận họ kiếm được không phải từ việc thu hoa chi mỗi ngày mà là tiền thu từ việc cất nhà quanh chợ để cho thuê.

Hai yếu tố quan trọng trên là điều mà khi xây dựng bất kỳ ngôi chợ nào, người làm chợ cũng phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng. Tư duy xây chợ hiện còn theo kiểu lên dự án - giải tỏa - xây - bán - lấy tiền lời trên mỗi một sạp. Như vậy có quá đơn giản không? Chính tư duy đó mới nảy sinh chuyện có chợ mà không có người mua. Nếu hiểu đúng quy luật của họp chợ, Nhà nước không những không tốn tiền xây chợ mà còn thu được nhiều tiền từ việc làm chợ.

Xây chợ cũng là làm văn hóa

. Ngoài hai yếu tố trên, việc xây dựng chợ còn bị chi phối bởi yếu tố nào khác?

+ Không thể bỏ qua yếu tố văn hóa. Chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút mãnh liệt không chỉ với cư dân trong vùng mà còn với cả khách du lịch. Chúng ta khi đi du lịch bất cứ đâu cũng thường tranh thủ ghé các chợ địa phương, mua bán thì ít mà thăm thú thì nhiều. Đến bất kỳ chợ dân sinh nào ta cũng dễ dàng gặp đủ các hạng người, nghe đủ thứ những ngôn ngữ địa phương, từ thanh lịch cho đến bình dân… Ra chợ là cách nhanh nhất để cảm nhận một không khí mang đậm bản sắc của vùng, miền.

Người Việt mình cũng có thói quen đi đến đâu cũng muốn ra chợ để biết cách ăn mặc, giao tiếp, mặc cả, những phong thái, sản vật địa phương. Tất cả những điều đó là sự cô đọng sâu sắc những nét văn hóa của địa phương. Do vậy, mong các chủ đầu tư hiểu rằng ngoài mục đích kinh doanh, thương mại thì làm một cái chợ còn là làm văn hóa.

Xin cảm ơn ông.

Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM:

Một số chủ đầu tư đã không nghiên cứu kỹ

TP hiện có 247 chợ đang hoạt động chính thức và một số chợ tự phát. Những chợ hoạt động không hiệu quả hoặc bỏ hoang phần lớn tập trung tại các khu vực vùng ven, cư dân còn thưa thớt. Cạnh đó, một số chợ được hình thành trong các khu dân cư mới, dân chưa đủ trong khi chợ đã có rồi.

Khi xây chợ Tân Phú (quận 9), chủ đầu tư đã không nghiên cứu kỹ về tập quán, thói quen của người dân cũng như giao thông đi lại, do đó khi xây xong tiểu thương không thể buôn bán được. Sở Công Thương đã làm việc với quận 9 và đưa ra giải pháp chuyển đổi công năng của khu chợ này thành nhà văn hóa. Sở cũng yêu cầu quận 9 mở thêm các cửa hàng tiện lợi, đồng thời nghiên cứu một địa điểm phù hợp để xây chợ phục vụ người dân trên địa bàn.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm