Chợ Minh Đức (xã Minh Đức, huyện Hớn Quản) hoàn thành năm 2002 với kinh phí trên 280 triệu đồng từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình 135. Thời gian đầu có 38 hộ đăng ký kinh doanh buôn bán, được ba tháng do buôn bán ế ẩm, các hộ tiểu thương đã tự rời bỏ chợ. Lần hai, xã tiếp tục vận động, có khoảng chục hộ trở lại kinh doanh buôn bán nhưng cũng chỉ được vài ngày lại bỏ chợ do không có khách. 10 năm qua ngôi chợ bị bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng.
Tiền tỉ phơi nắng mưa
Tương tự là chợ xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập) được xây dựng năm 2007 với kinh phí 560 triệu đồng với diện tích hơn 3.000 m2. Thời gian đầu có hơn 20 hộ đăng ký kinh doanh buôn bán nhưng được chừng một tháng ôm hàng ra đi vì quá ế ẩm. Suốt bốn năm ngôi chợ bỏ mặc cho nắng mưa.
Lãng phí nhất là chợ biên giới Hoàng Diệu (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp). Nằm cách cửa khẩu biên giới Hoàng Diệu hơn 3 km, ngôi chợ này được Sở Thương mại - Du lịch trước đây (nay là Sở Công Thương) đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, với chức năng là nơi giao thương, trung chuyển hàng hóa giữa hai huyện Keosima (Campuchia) và huyện Bù Đốp. Thoạt đầu cũng có 52 hộ vào đăng ký kinh doanh nhưng được ba tháng chợ vắng khách, các hộ đã bỏ chợ. Và từ giữa năm 2006 đến nay, công trình này bị bỏ hoang.
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều những ngôi chợ đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng bằng nguồn kinh phí từ Chương trình 135, ngân sách tỉnh đang bị bỏ hoang nhiều năm nay do không có tiểu thương nào chịu vào kinh doanh như các chợ xã: Tân Hưng, Tân Phước (huyện Đồng Phú), Đắk Nhau, Bom Bo 2 (huyện Bù Đăng)… Có thể nói “hiệu quả” duy nhất của những ngôi chợ này là để những người dân sống xung quanh tận dụng làm sân phơi hàng hóa nông sản, nơi tổ chức hội chợ, ca nhạc, chăn thả gia súc, gia cầm hoặc làm sân đá bóng cho lũ trẻ…
Chợ Minh Đức (xã Minh Đức, huyện Hớn Quản). Ảnh: THANH TRÚC
Chợ xã Tân Phước (huyện Đồng Phú). Ảnh: THANH TRÚC
Mạnh ai nấy… xây chợ?
Theo một lãnh đạo UBND xã Phú Nghĩa: “Chợ bỏ hoang do xây dựng “nhầm” địa điểm. Thay vì xây dựng tại trung tâm xã Đắk Ơ, nơi có đông đảo tiểu thương, dân cư sinh sống và bà con trong xã đã quen mua bán tại chợ tạm xã Đắk Ơ thì chợ lại được xây dựng tại xã Phú Nghĩa. Vắng khách nên những năm qua, xã đã nhiều lần vận động nhưng chẳng có hộ tiểu thương nào chịu vào buôn bán mặc dù khi vào chợ các hộ tiểu thương không phải đóng góp bất cứ khoản thuế nào”.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, Sở được giao công tác quy hoạch, xây dựng chợ. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng thay vì phối hợp cùng Sở để chọn vị trí, địa điểm, các ngành khi được giao kinh phí đã tự ý thực hiện, mạnh ai nấy làm, dẫn đến thực trạng xây xong rồi bỏ hoang. Bên cạnh đó, công tác thiết kế xây dựng cũng còn nhiều yếu kém.
Để tránh gây lãng phí ngân sách, Sở đã chủ trương cho chuyển công năng các chợ bỏ hoang. Cụ thể, chợ Hoàng Diệu sau nhiều năm nằm phơi mưa nắng nay đã mang bán đấu giá được hơn 1,3 tỉ đồng cho một doanh nghiệp để làm nhà kho, sân phơi. Bên cạnh đó, để giải quyết dứt điểm, Sở đã đề nghị UBND tỉnh cho chuyển những ngôi chợ bỏ hoang làm nhà văn hóa cộng đồng, nhà học tập cộng đồng, khu vui chơi giải trí… Vừa qua đã có văn bản đề nghị các địa phương hữu quan rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống chợ nông thôn rồi báo cáo lên Sở. “Để tránh những ngôi chợ xây lên rồi bỏ hoang, Sở đã đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở thẩm định, phê duyệt trong xây dựng chợ nông thôn” - một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước nói.
THANH TRÚC