Ukraine bóp nghẹt kinh tế miền Đông

Những gì chính phủ Ukraine không thể giải quyết thành công bằng quân đội ở miền Đông thì sẽ tiếp tục giải quyết bằng biện pháp kinh tế.

Từ ngày 1-12, chính quyền trung ương đã ngừng trả lương, hưu trí và trợ cấp xã hội ở vùng Donbass do lực lượng ly khai kiểm soát. Ai muốn tiếp tục hưởng quyền lợi phải rời khỏi miền Đông.

Đây là địa bàn lực lượng ly khai đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk đồng thời tổ chức bầu cử vào ngày 2-11 với kết quả không được quốc tế thừa nhận.

Như vậy từ nay người cao tuổi và người tàn tật ở vùng Donbass sẽ không còn được lãnh trợ cấp xã hội. Các cá nhân và công ty không còn sử dụng tài khoản ngân hàng. Các nguồn cung ứng thuốc men, thực phẩm, điện đều bị cắt. Nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo ở miền Đông là điều khó tránh khỏi.

Trước đó, hồi giữa tháng 11, Tổng thống Petro Poroshenko đã ban hành sắc lệnh chấm dứt mọi dịch vụ công ở Donbass.

 
Ngày 30-11 (giờ địa phương), đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo thứ tám của Nga đã đến Donetsk. Ảnh: AFP

Sắc lệnh yêu cầu tất cả công ty, cơ quan và tổ chức nhà nước trong một tuần phải ngưng hoạt động và chuyển nhân viên ra khỏi Donbass. Sắc lệnh cũng yêu cầu trong một tháng Ngân hàng trung ương phải ngừng cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho Donbass, đặc biệt là dịch vụ thẻ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích chính phủ Ukraine thay vì thiết lập quan hệ ổn định với miền Đông thì lại bóp nghẹt kinh tế và xã hội của miền Đông.

Ông cảnh báo hành động này có nguy cơ thúc đẩy xung đột vũ trang bùng nổ trở lại. Ông đã kêu gọi các nước phương Tây sử dụng ảnh hưởng tác động đến chính quyền Kiev.

Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới khóa VIII của Ukraine ngày 27-11, Tổng thống Poroshenko đã bày tỏ mong muốn mọi công dân Ukraine không phân biệt thành phần cùng xây dựng một quốc gia thống nhất.

Dù vậy, Đài Tiếng nói Nga nhận định thực ra Tổng thống Poroshenko đã mặc nhiên chối bỏ vùng Donbass và không xem gần 7 triệu dân hai tỉnh Donetsk và Luhansk là công dân Ukraine.

Giám đốc Trung tâm Phân tích chính trị (Nga) Pavel Danilin nhận định: “Khi từ chối liên bang hóa Ukraine và cùng lúc ban hành các biện pháp hạn chế, trừng phạt và biện pháp quân sự ở Donbass, Tổng thống Poroshenko thực sự đã không xem Donbass thuộc về Ukraine”.

Trong khi đó, quyết định bóp nghẹt kinh tế vùng Donbass sẽ trở thành con dao hai lưỡi.

Xung đột ở miền Đông đã ảnh hưởng đến các mỏ than ở Donbass và các tuyến đường sắt chở than cho các nhà máy nhiệt điện của Ukraine. Do đó, ông Andrey Favorov, Giám đốc Tập đoàn Các nguồn năng lượng Ukraine, dự báo do thiếu than, khả năng cung ứng điện sẽ bị rối loạn từ giữa tháng 12.

Trước tình hình này, AFP đã đưa ra các giải pháp:

- Ukraine sẽ phải đàm phán mua điện trực tiếp từ Nga cùng với khí đốt và nhiên liệu hạt nhân, như vậy phải chấp nhận lệ thuộc Nga.

- Nhiều nước như Việt Nam, Mỹ hay Úc có thể cung cấp than cho Ukraine nhưng phải mất hơn một tháng vận chuyển với chi phí tốn kém.

Một giải pháp nữa khá oái oăm là chính phủ Ukraine sẽ phải đàm phán với lực lượng ly khai ở vùng Donbass để mua than. Giải pháp này rẻ tiền nhưng chính phủ đã xem lực lượng ly khai là khủng bố, do vậy chi tiền mua than chẳng khác nào trợ cấp cho khủng bố.

Tổng thống Petro Poroshenko cho biết chính phủ sẵn sàng thông qua một đạo luật mới về quy chế đặc biệt cho vùng Donbass chỉ với hai điều kiện: Các nhà lãnh đạo ở Donetsk và Luhansk phải hủy bỏ kết quả bầu cử ngày 2-11, đồng thời thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn ký kết ở Minsk (Belarus) hôm 5-9.

_______________________________________

1 triệu tấn than antraxit Ukraine cần mỗi tháng để cung cấp cho các nhà máy phát điện. Ukraine chỉ còn dự trữ 1,8 triệu tấn, tức thiếu khoảng 3 triệu tấn cho mùa đông. Trong khi đó, ước tính vùng Donbass còn dự trữ gần 4,5 triệu tấn than. Khủng hoảng than sẽ bắt đầu từ giữa tháng 12 và lên cao trào vào tháng 2-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới