UNCLOS 1982 và một số kiến nghị hoàn thiện Luật biển Việt Nam

(PLO)- UNCLOS 1982 được xem là “Hiến pháp về biển và đại dương”, là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực, toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-4, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo “40 năm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và 10 năm Luật Biển Việt Nam năm 2012: Vai trò, thách thức và hoàn thiện”.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, hội thảo không chỉ là diễn đàn về học thuật mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ sở đào tạo, nhất là cơ sở đào tạo luật. Nhân kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và 10 năm Luật Biển Việt Nam năm 2012, các diễn giả sẽ nói về vai trò, thách thức và những vấn đề cần phải hoàn thiện.

Các chuyên gia tham gia trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: SONG MAI

Các chuyên gia tham gia trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: SONG MAI

Trình bày tham luận, PGS.TS Ngô Hữu Phước (Phó Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cho biết UNCLOS 1982 được xem là “Hiến pháp về biển và đại dương”, là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực, toàn cầu để “giải quyết mọi vấn đề liên quan đến luật biển” và “thiết lập một trật tự pháp lý trên biển”.

PGS.TS Ngô Hữu Phước nhận định UNCLOS 1982 có ba thành tựu đặc biệt quan trọng đó là: Xác lập không gian và quy chế các vùng biển; thiết lập phương thức phân định biển và giải quyết tranh chấp linh hoạt, hiện đại, bằng cách tích hợp nhiều biện pháp, bao gồm các biện pháp chính trị - ngoại giao và các biện pháp pháp lý (tài phán); là nền tảng để phát triển luật quốc tế nói chung và luật biển nói riêng.

PGS.TS Ngô Hữu Phước phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: SONG MAI

PGS.TS Ngô Hữu Phước phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: SONG MAI

Cũng liên quan đến UNCLOS 1982, ThS Hoàng Việt (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, bên cạnh những thành tựu như PGS.TS Ngô Hữu Phước đã nói thì UNCLOS cũng tạo gia tranh luận về vấn đề chế độ các đảo.

Theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS, “đá” khác với “đảo” ở hai tiêu chí đó là “không thích hợp cho cuộc sống của con người hoặc không có một đời sống kinh tế riêng”. Tuy nhiên, UNCLOS lại không giải thích rõ hai khái niệm này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Còn tại Việt Nam, theo ThS Hà Thị Hạnh (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định, với tư cách là thành viên của UNCLOS, Luật Biển Việt Nam 2012 đã được soạn thảo trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời phù hợp với lợi ích quốc gia. Qua 10 năm ban hành, Luật Biển Việt Nam 2012 đã thiết lập được cơ sở pháp lý vững chắc, nhằm khẳng định chủ quyền dân tộc đối với các vùng biển, đảo thiêng liêng của đất nước, tạo nền tảng để phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ quyền của công dân, ngư dân.

ThS Hà Thị Hạnh nói về Luật Biển Việt Nam 2012. Ảnh: NTCC

ThS Hà Thị Hạnh nói về Luật Biển Việt Nam 2012. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh thực tiễn thì Luật Biển Việt Nam 2012 vẫn còn điểm hạn chế. Từ đó, ThS Hạnh và TS Nguyễn Thị Kim Anh (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện luật biển Việt Nam. Trong đó có việc bổ sung thêm các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể ngoài những liên hệ mang tính chất chung chung hiện có trong Luật Biển Việt Nam 2012.

Kiến nghị thêm, ThS Trần Thị Kim Nguyên (Trường ĐH Mở TP.HCM) cho rằng, Luật Biển Việt Nam cần điều chỉnh một số chi tiết để củng cố sự vững chắc lập trường pháp lý của Việt Nam trong các tranh chấp pháp lý ở Biển Đông; bổ sung chế định về khai thác và bảo tồn nguồn lợi sinh vật biển ở các vùng biển cả và đáy đại dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm