Ủng hộ siết bán hàng tiểu ngạch sang Trung Quốc

(PLO)- Khi xuất khẩu tiểu ngạch, các doanh nghiệp Việt luôn ở thế bị động, bị ép giá và rất nhiều rủi ro khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Từ năm 2025, xuất khẩu theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, hay còn gọi là xuất khẩu tiểu ngạch sẽ bị siết lại. Mục tiêu nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, nhất là với Trung Quốc (TQ), mỗi khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc vào các dịp lễ, tết”.

Đó là nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới mà Bộ Công Thương vừa công bố để lấy ý kiến.

Chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Thời gian qua tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vẫn còn diễn ra khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ các loại nông sản hoặc vào các dịp lễ, tết, nhất là tại cửa khẩu với TQ. Để khắc phục tình trạng này, tại dự thảo trên, Bộ Công Thương đề xuất lộ trình chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2025, giảm số lần và số tiền được miễn thuế. Hàng xuất khẩu tiểu ngạch phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch). Chỉ cư dân tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.

Sau đó một năm, từ ngày 1-1-2026, hàng xuất khẩu vào TQ theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thường bị ùn ứ tại cửa khẩu. Trong ảnh: Xe hàng chờ thông quan tại cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: BẮC NINH
Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thường bị ùn ứ tại cửa khẩu. Trong ảnh: Xe hàng chờ thông quan tại cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh: BẮC NINH

Từ ngày 1-1-2027 thì dừng toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại tất cả cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thỏa thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới. Đến đầu năm 2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép xuất chính ngạch sang TQ. Nghĩa là đến thời điểm này, bán hàng thông qua hình thức tiểu ngạch bị đóng cửa hoàn toàn.

Bộ Công Thương nhận định với phương án này sẽ đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân, không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn. Với lộ trình như vậy là đủ dài để hoạt động thương mại biên giới dần thích nghi với việc chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Chuyển sang chính ngạch để giảm rủi ro

Xuất khẩu tiểu ngạch là trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai bên biên giới. Do là trao đổi cư dân nên hàng hóa trao đổi được chính quyền hai nước cho hưởng những ưu đãi nhất định, ví dụ như miễn, giảm thuế hoặc giảm bớt một số thủ tục. Các loại nông sản, trái cây chưa được TQ cho phép nhập khẩu chính thức cũng có thể đưa ra trao đổi theo hình thức trao đổi cư dân theo hình thức tiểu ngạch.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phân tích: Chính vì những ưu đãi này mà các doanh nghiệp (DN) đã chủ động lựa chọn hình thức trao đổi tiểu ngạch để giao dịch nhiều chủng loại nông sản, kể cả các sản phẩm đã được phép xuất khẩu vào TQ theo đường chính thức, hay còn gọi là xuất khẩu chính ngạch.

“Xuất khẩu tiểu ngạch không phải do DN của mình thích như vậy mà do thương lái TQ yêu cầu để không phải chịu thuế. Nếu vẫn để song song cả tiểu ngạch và chính ngạch thì dù cách này hay cách khác, các DN vẫn sẽ chọn xuất khẩu theo tiểu ngạch vì thương lái TQ muốn vậy” - ông Nguyên nói.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cũng cho rằng khi xuất khẩu tiểu ngạch thì DN Việt luôn ở thế bị động, bị ép giá, bị bùng hàng không có lý do và nhiều rủi ro khác. Vì vậy, ông rất ủng hộ việc Nhà nước chuyển toàn bộ xuất khẩu sang hình thức chính ngạch.

Ông nhấn mạnh: “Xuất khẩu chính ngạch sẽ ổn định và có lợi hơn nhiều cho DN Việt vì có các hợp đồng mua bán với các điều khoản rõ ràng, hạn chế tình trạng bị ép giá, các lô hàng được thông quan nhanh… Tuy nhiên, tôi cũng có lo ngại là khi Việt Nam siết xuất khẩu tiểu ngạch thì khả năng thương nhân TQ sẽ có xu hướng nhập tiểu ngạch từ các thị trường khác, ví dụ như Lào” - ông Trịnh nói.

Nhận định chung của các DN, cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường TQ theo hình thức chính ngạch vì trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch bị ách tắc. Xuất khẩu chính ngạch ổn định hơn và đây cũng chính là động lực để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị hàng Việt.

Xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh

Bộ Công Thương cho biết tuyến biên giới Việt - Trung hoạt động xuất nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) diễn ra khá sôi động. Lý do hàng xuất tiểu ngạch qua TQ vẫn được hưởng các ưu đãi. Ví dụ không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng, được miễn thuế nếu giá trị hàng hóa trao đổi không vượt quá 8.000 nhân dân tệ/người/ngày.

Do đó, DN TQ đã tận dụng để buôn bán lớn như lập danh sách cư dân, sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế của cư dân để nhập khẩu các lô hàng lớn... Thậm chí một số mặt hàng được phép xuất khẩu chính thức nhưng vẫn chuyển sang tiểu ngạch để xuất khẩu sang TQ.

“Có thể nói các ưu đãi của TQ đối với hình thức trao đổi cư dân cùng với chính sách của Việt Nam dẫn đến hình thành xuất khẩu tiểu ngạch” - Bộ Công Thương đánh giá.

Tuy vậy, gần đây TQ siết chặt kiểm dịch, kiểm nghiệm và quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc nên xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng bấp bênh, không bền vững và không còn nhiều cơ hội cho hàng nông, thủy sản Việt Nam. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần siết lại hoạt động mua bán hàng hóa của cư dân biên giới.

Bán tiểu ngạch là do thói quen

Thật ra kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra thì phía TQ đã kiểm soát chặt với hàng nhập khẩu tiểu ngạch. Theo đó, nước này nâng yêu cầu nhập khẩu hàng nông sản, như phải khai hải quan, phải có giấy kiểm dịch động thực vật và nhiều loại giấy tờ khác. Không chỉ vậy, thuế hàng tiểu ngạch hiện giờ cũng đã ngang ngửa hàng chính ngạch rồi.

Việc hiện nay thương lái TQ vẫn muốn xuất khẩu tiểu ngạch chẳng qua là thói quen mua bán trong thời gian dài, chưa kịp thích ứng mà thôi. Vì vậy việc siết dần tiểu ngạch là cần thiết.

Ông NGUYỄN MINH PHƯƠNG,
Giám đốc Công ty TNHH MTV Safari

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm