Ngày 22-3, Bình Dương tổ chức Hội nghị “Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp”. Tham dự hội nghị này có gần 100 hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn gặp phải khi bị ảnh hưởng sau đại dịch. |
Tại hội nghị, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và nhiều yếu tố khác trên thế giới, các doanh nghiệp ngành may mặc, gỗ, da giày... gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, mất đơn hàng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề này đang phải đối mặt với các nguy cơ phá sản, giải thể. Trước tình hình trên, để duy trì sản xuất các doanh nghiệp rất mong muốn tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, lãi suất ngân hàng rất cao. Bên cạnh đó, thủ tục vay rất khó và phía ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp.
Còn về phía ngân hàng thì cho rằng, ngân hàng luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay do nợ xấu tăng nên ngân hàng siết chặt hơn về mặt hồ sơ cho vay để đảm bảo thu hồi nợ.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Phong cho biết thêm, sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dự kiến, cuối tháng 3 các ngân hàng đồng loạt giảm 0,5% lãi suất hiện tại và ở quý 2-2023 sẽ giảm từ 1-1,5% lãi suất vay.
Ngoài việc chờ ngân hàng hỗ trợ thì các doanh nghiệp phải tự cứu mình-ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Dương cần chỉ đạo ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các chỉ thị liên quan đến lĩnh vực ngân hàng làm sao để trở thành động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế Bình Dương.
Ông Dành cũng yêu cầu các ngân hàng cần linh động quy trình cho vay theo điều kiện thực tế, đa dạng hình thức cho vay, sản phẩm vay.
"Trên tình hình đơn đặt hàng không có, hàng hóa bán không được, dòng tiền về không kịp thì nghiên cứu cách nào để giãn nợ, hoãn nợ để doanh nghiệp cơ cấu lại dòng tiền, có điều kiện tái sản xuất", ông Dành nói.
Tuy nhiên, ông Dành cũng đề nghị các doanh nghiệp phải chủ động “tự cứu mình”. Các doanh nghiệp phải cơ cấu lại tài chính, cơ cấu lại kinh doanh, thậm chí là chuyển đổi ngành nghề, trạng thái cho phù hợp.