Ứng phó bão số 4: Đặt tính mạng người dân lên trên hết

(PLO)- Bảo đảm tính mạng của người dân, sẵn sàng cho tình huống “cao hơn một cấp” là những yêu cầu được đặt ra trong việc ứng phó với bão số 4.

Sáng 27-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến tới tám địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão để chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru).

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn một cấp” để có sự chủ động chuẩn bị. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, gây thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm “bốn tại chỗ”; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó với diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 4 sáng 27-9. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, người dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chống bão, đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; phân công các cán bộ trong Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc những địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở.

Đề phòng các tình huống khó lường

Lúc 18 giờ ngày 27-9, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 tổ chức cuộc họp trực tuyến với tám tỉnh, TP. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo, cho hay các địa phương phải nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời phát sinh do bão gây ra.

Phó Thủ tướng cho biết vừa kiểm tra ở Quảng Trị, lốc xoáy làm hư hại mấy chục ngôi nhà, ba người bị thương nặng. Quảng Trị đã xử lý kịp thời, đưa bà con đi cấp cứu. “Chúng ta phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo thẳng vào các vấn đề quan trọng liên quan đến sơ tán dân, bố trí chỗ ở tại nơi sơ tán, kiểm tra đã vận động sơ tán hết bà con hay chưa. “Đây là việc rất quan trọng vì làm sót, bão vào rất nguy hiểm đến người dân” - ông nói.

Ông yêu cầu phải xác định các công trình trọng điểm, quan trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như an toàn cho nhân dân như hồ, đập, đường sá, trụ sở cơ quan, đơn vị… coi đã bảo vệ tốt hay chưa. Lương thực, thực phẩm, ứng cứu các trường hợp khi bị chia cắt, khó khăn thế nào? Có thể xảy ra các tình huống chưa lường hết được như đê biển có thể bị sóng đánh. Các phương án ứng cứu thế nào?

“Phải bàn nhanh phương án ứng phó trong đêm nay” - Phó Thủ tướng thúc giục.

Phó Thủ tướng cho biết sẽ về Thừa Thiên-Huế ngay sau khi cuộc họp kết thúc để họp điều hành tiếp, thậm chí có thể họp điều hành xuyên đêm. Phó Thủ tướng yêu cầu mở phòng họp trực tuyến của các địa phương 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp do bão gây ra.•

Nguy cơ ngập lụt diện rộng từ Quảng Bình đến Bình Định

Ngày 27-9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão số 4 là cơn bão rất mạnh với cấp gió mạnh nhất khi sát bờ ở cấp 14, giật cấp 17, hoàn lưu rộng. 9/14 tỉnh, TP miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là năm tỉnh, TP được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.

Từ tối 27 kéo dài đến sáng 28-9, đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão. Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 13-14, sóng biển cao 4-6 m, vùng gần tâm bão cao 6-8 m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng tổng cộng 3-4 m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định.

Ngoài gió mạnh, nước dâng, dự báo bão số 4 sẽ gây ra mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây Nguyên với lượng mưa dự báo đến 300-400 mm, có nơi trên 500 mm, gây ra lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Đặc biệt, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt. Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới