Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp và nặng nề của BĐKH. Nếu không ứng phó một cách hệ thống, tổng thể, hiệu quả thì đất nước sẽ đối mặt những nguy cơ hiện hữu thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định cuộc sống của người dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
“Thiên tai, BĐKH tới rất nhanh. Chúng ta còn nhiều bất cập, chưa tập trung giải quyết. Nếu thẳng thắn nhìn nhận thì còn nhiều hạn chế, yếu kém cả trong xây dựng chính sách, triển khai thực hiện và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành” - Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, việc lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cũng còn nhiều bất cập. Nguồn lực còn hạn hẹp trong bối cảnh chúng ta đối mặt với nhiều thách thức nhanh hơn dự báo.
“Mọi cấp, mọi ngành, hệ thống chính trị, người dân phải hiểu rõ hơn tác động của BĐKH và biện pháp ứng phó. Nếu người dân mà không nhận thức được thì chúng ta đổ tiền, đổ của vào cũng không đạt kết quả. Nếu tiếp tục xây đô thị bằng đê bao, lúc cao lúc thấp, anh sau làm cao hơn anh trước, không có quy hoạch thì không bao giờ thành công” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các thành viên của ủy ban, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, trước hết ở vùng ĐBSCL và ven biển miền Trung. Đặc biệt chú trọng một số quy hoạch quan trọng bức thiết và tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều nhìn nhận BĐKH tác động nhanh, mạnh đến nước ta, biểu hiện rõ rệt nhất là thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra liên tiếp, ngày càng nặng nề. Nguyên nhân chính là do con người với các hành vi như phát thải khí nhà kính, phá rừng, khai thác nguồn nước ngầm quá mức, khai thác cát sỏi trên sông…
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày, BĐKH đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó. Với kịch bản trung bình về BĐKH thì mức tăng nhiệt độ trung bình năm tại Việt Nam phổ biến 1,3-1,7 độ C vào giữa thế kỷ, 1,7-2,4 độ C vào cuối thế kỷ. Về địa hình tại ĐBSCL, các kết quả nghiên cứu về khai thác nước ngầm, nâng hạ địa chất và quan trắc lún đều cho thấy xu thế lún của địa hình tại đây. Nguy cơ ngập cao hơn so với tính toán trước đó…