Ứng phó mùa mưa 2024, TP.HCM khởi động 10 dự án chống ngập

(PLO)- Theo kế hoạch, TP sẽ khởi công 3 dự án chống ngập do mưa trên địa bàn quận Gò Vấp và chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án khác trên địa bàn TP.

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2024 – 2025, trong đó có kế hoạch xóa các tuyến đường ngập do mưa ở TP. Kế hoạch này được ban hành ngay đầu tháng 5, khi mùa mưa năm nay bắt đầu.

Khởi công 3 dự án chống ngập, chuẩn bị đầu tư 7 dự án

Theo kế hoạch, TP sẽ khởi công 3 dự án chống ngập do mưa trên địa bàn quận Gò Vấp. Các dự án gồm cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ cầu) và cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Cụt).

Ngoài 3 dự án được khởi công, TP cũng chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án khác. Các dự án chuẩn bị đầu tư gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức); nạo vét trục thoát nước rạch bà Lớn (huyện Bình Chánh); rạch Bàu Trâu (quận 6); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (quận Tân Bình); hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A và xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh (quận Tân Phú).

TP cũng chỉ đạo tiếp tục nâng cấp, cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước để kết nối đồng bộ, đảm bảo thoát nước cho khu đô thị và khu dân cư mới.

TP.HCM cần triển khai nhiều dự án chống ngập để đảm bảo cuộc sống cho người dân khi mùa mưa gần kề. Ảnh minh họa: Hữu Hướng

Theo đó, nguyên tắc cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước mưa tại khu vực nội thành cũ là vẫn sử dụng hệ thống cống chung thoát nước mưa và nước thải; tại các khu vực xây dựng mới sử dụng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng.

Cụ thể, đối với toàn bộ khu nội thành hiện hữu, 3 quận mới là 7, 12, Bình Tân và 4 huyện ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thuộc vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè thì khi xây dựng hệ thống thoát nước mưa mới cần tách nước thải ra khỏi hệ thống cống thoát nước chung.

Đồng thời, nạo vét mở rộng kênh rạch kết hợp với các giải pháp cục bộ để xóa các điểm ngập (xây đê tạm, nâng cao mặt đường, lắp đặt cửa van đóng mở một chiều, bố trí các trạm bơm tiêu...)

Với cường độ về mưa như hiện nay thì các cống thoát nước khó có thể giải quyết được tình hình ngập ở TP.HCM. Do đó, chúng ta cần thực hiện thêm các giải pháp khác ở nhiều nơi.

Đơn cử như làm hồ điều hòa để trữ nước, khi mưa bớt thì cho thoát nước vào hệ thống cống. Ngoài ra, giải pháp tại các khu vực nhà, tòa nhà khi thiết kế cần giảm diện tích bê tông để tăng thêm phần thấm hút nước, tăng thêm cây xanh.

Các vỉa hè, khu vực nhà ở riêng lẻ cũng cần tuyên truyền để người dân giảm bớt bê tông, tăng thêm cây xanh. Chính việc bê tông hóa quá nhiều đã dẫn đến mức độ thấm xuống lòng đất không còn nữa.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Đối với TP Thủ Đức thuộc vùng bờ tả sông Sài Gòn - Nhà Bè, khi xây dựng mới thì bố trí hệ thống thoát nước mưa riêng với mạng lưới mương.

Đối với huyện Cần Giờ thuộc vùng bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp, giữ lại toàn bộ hệ thống sông rạch và phát triển thêm cây xanh ven bờ để gia tăng khả năng điều tiết, không xây dựng các công trình tiêu thoát nước lớn (chỉ bố trí hệ thống thoát nước cho các cụm dân cư nhỏ trong khu vực).

Thu hút đầu tư, ưu tiên hình thức PPP

Theo kế hoạch của UBND TP, trên cơ sở các quy hoạch đã được tại Thủ tướng phê duyệt tại các Quyết định số 24, 752, 1547, trong giai đoạn 2021-2025 TP sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình phù hợp định hướng phát triển chung.

Trước mắt, tổ chức rà soát cơ sở pháp lý, chính sách mời gọi đầu tư để tham mưu nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư công trình, đặc biệt ưu tiên thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

TP cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp đơn vị tư vấn của Hà Lan thực hiện "Sáng kiến hợp tác công tư cho Kế hoạch chống ngập bền vững cho TP.HCM tại khu vực TP Thủ Đức”.

Mới đây, dự án chống ngập do mưa cho đường Võ Văn Ngân đã được hoàn thành. Ảnh: ĐÀO TRANG

“Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM (dự án SPR); tổ chức đánh giá và đề xuất áp dụng trong thời gian tới” - UBND TP đề xuất.

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa mưa ở TP.HCM khả năng sẽ bắt đầu trong khoảng từ ngày 10-5 đến 20-5. Tổng lượng mưa trong mùa mưa năm nay sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-15%, tập trung vào nửa cuối mùa, từ tháng 7 đến tháng 11. Khả năng sẽ có những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày, dễ gây ngập úng.

Về giải pháp trung hạn và dài hạn, UBND TP cho biết thời gian tới TP sẽ khởi công và hoàn thành nhiều dự án xây dựng hệ thống thoát nước.

Thứ nhất là dự án Xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án trong năm 2025.

Thứ hai là dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), khởi công trên địa bàn quận Gò vấp trong tháng 8-2024 (dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2025), khởi công trên địa bàn quận Bình Thạnh trong tháng 4-2025.

Thứ ba là dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát và dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn, đẩy nhanh tiến độ dự án phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025.

Mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải

Theo UBND TP.HCM, trong năm 2025 sẽ xây dựng hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hoàn thành Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2).

Cạnh đó, TP mời gọi đầu tư 7 nhà máy xử lý nước thải gồm Tây Thành phố; Bắc Sài Gòn 1; Bắc Sài Gòn 2; cầu Dừa; Tây Bắc; Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2 và Nam Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới