Theo TS-BS Phan Thị Hồng Đức, Trưởng khoa Nội tuyến vú - tiêu hóa - gan - niệu, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, năm 2022, BV tiếp nhận 1.231 ca ung thư vú ở người dưới 45 tuổi, trong đó có 56 ca ở người dưới 30 tuổi, đều tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021.
Chủ quan bỏ qua thời điểm vàng
BS Đức chia sẻ, BV từng tiếp nhận nữ bệnh nhân mắc ung thư vú lúc 36 tuổi, khi đang mang thai. Khi đó bệnh nhân nghĩ tuyến vú to lên là thay đổi do mang thai nên đã không đi khám, bỏ qua thời điểm vàng.
Sau khi sinh xong vài năm, bệnh nhân đến BV khám khi tổn thương ở tuyến vú đã khá lớn, được chẩn đoán ung thư vú dạng viêm. Các BS hội chẩn và hóa trị tân bổ trợ giúp tổn thương vú co nhỏ lại trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, sau phẫu thuật khoảng hai năm, bệnh nhân tái phát bệnh và có di căn phổi.
TS-BS Phan Thị Hồng Đức thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
“Dù chúng tôi đã hết sức cố gắng sử dụng những phác đồ phù hợp với bệnh nhân nhưng sau đó bệnh vẫn tiến triển và bệnh nhân mất sau ba năm điều trị. Nếu chị em phát hiện có bất thường ở tuyến vú (bất kì thời điểm nào), cần đến khám ở những cơ sở y tế uy tín, đặc biệt là BV chuyên khoa ung thư để được tư vấn và điều trị kịp thời” - BS Đức chia sẻ và khuyến cáo.
Trường hợp khác cũng là bệnh nhân nữ (29 tuổi), phát hiện tổn thương vú khoảng 1cm trong lần đi khám sức khỏe định kỳ. Bệnh nhân được phẫu thuật trước, sau đó hóa trị hỗ trợ và chỉ định điều trị nội tiết. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. “Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện những tổn thương rất nhỏ trên nhũ ảnh hoặc chụp MRI vú hoặc trên siêu âm tuyến vú. Những tình huống này tiên lượng rất tốt, việc điều trị sẽ đơn giản hơn và kết quả tốt hơn” - BS Đức nói.
Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (cơ sở 2). Ảnh: BVCC |
Nguy cơ mắc bệnh từ lối sống
Chia sẻ về nguyên nhân tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở người trẻ, BS Đức cho biết hiện giới trẻ thường lập gia đình và sinh con muộn. Thống kê trên những phụ nữ không lập gia đình hay có con muộn thường có tỉ lệ mắc ung thư vú cao hơn.
Uống thuốc ngừa thai, dùng những nội tiết thay thế để điều trị vô sinh, có kinh sớm, không cho con bú... cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở người trẻ bên cạnh việc ít vận động, hút thuốc lá nhiều. Ngoài ra, phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn sau mãn kinh. Uống rượu nhiều làm tăng lượng estrogen trong máu cũng dẫn đến tăng khả năng mắc bệnh này.
TS-BS Phan Thị Hồng Đức. Ảnh: BVCC |
Để phòng tránh và ngăn ngừa ung thư vú, BS Đức khuyên: “Chúng ta nên thường xuyên quan sát ngực mình, nếu thấy ngực thay đổi, tiết dịch, mô dày lên nên đến BV để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Cạnh đó, chúng ta nên tìm hiểu về tiền sử mắc ung thư vú của người thân (cả bên nội và ngoại). Nếu mẹ hoặc chị gái đã bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng trước 50 tuổi, nên kiểm tra hằng năm bằng cách chụp X-quang tuyến vú và siêu âm. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên đến gặp BS chuyên khoa vú để được tư vấn cách tầm soát phù hợp".
Để giảm nguy cơ ung thư vú, nên chọn lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, duy trì cơ thể khỏe mạnh, ăn nhiều trái cây và rau quả, hạn chế đồ ăn nhanh và rượu bia…
· Có một thành viên thân thiết trong gia đình (mẹ, chị gái hoặc dì) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trước 50 tuổi.
· Có người thân cùng huyết thống là nam giới bị ung thư vú.
· Có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
· Đã được điều trị bức xạ vào ngực hoặc vú trước 30 tuổi.
· Các yếu tố nội tiết tố như bắt đầu kinh nguyệt sớm, sử dụng thuốc tránh thai hoặc vô sinh.