Nếu thi hào Nguyễn Du sống ở thế kỷ 21, tác phẩm của ông chắc còn não nề biết bao khi tuổi thọ khắp nơi đều tăng nhưng “trăm năm trong cõi người ta” dường như quá ngắn, chưa đến nửa đường đã bù đầu với xơ vữa mạch máu, thoái hóa khớp, cườm mắt, loãng xương, u xơ…
Chữa loãng xương qua phác đồ điều trị toàn diện
5 giờ 30 sáng thứ Hai đáng ghét. Đang chạy đua với máy tính để kịp trả món nợ nghiệp chướng cho trang báo sức khỏe thì nhận được cú điện thoại của anh bạn ở ngoại quốc mới về thăm nhà sau nhiều năm biệt xứ. Trong niềm xúc động nghẹn ngào trước hình ảnh thân gầy của người mẹ từng ngày trông con, anh quên cả lời chào thân hữu vì đang hối hả muốn tìm nơi cho mẹ anh đi khám… loãng xương. Tôi đã giới thiệu vài bệnh viện, nơi có bạn bè quen biết cho tiện phần… gửi gắm vì ở xứ mình không quen khó… thân.
Ước gì anh hiểu ra một lẽ, chỉ với vài loại sữa đang được quảng cáo rầm rộ thì xương của mẹ anh trước sau vẫn… loãng. Ước gì anh tìm được thầy thuốc nào đó gần nhà hiểu hơn về mối liên hệ tâm thể trong bệnh lão khoa để bảo vệ sức khỏe cho bà cụ kịp thời qua phác đồ điều trị toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào vài viên thuốc chứa nhúm vôi bạc béo, vài ly sữa chỉ trọn nghĩa gánh “canxi” bỏ biển.
Khẩu vị như cá tính của con người, thay đổi theo nhịp sống, theo thời gian, môi trường.
Sao phải chẩn đoán ung thư mỗi ba tháng!
7 giờ 30. Trên đường chen xe đến phòng khám, tình cờ gặp cô cháu gái đang vội vã phóng xe ngược chiều như chuẩn bị tham dự cuộc đua chuyên nghiệp. Hỏi thăm mới biết cô có buổi hẹn khám ung thư nhũ bộ định kỳ ba tháng một lần theo lời khuyên của bác sĩ và bạn bè. Ước gì đồng nghiệp nào đó đã chịu khó bỏ chút công sức để giải thích cho “nạn nhân khách hàng” đang quá lo sợ, làm gì phải chẩn đoán phát hiện ung thư mỗi ba tháng, trừ khi thầy thuốc cần kết toán chi thu mỗi tam cá nguyệt?! Ước gì cô cháu nhờ có thu nhập cao qua việc làm với công ty ngoại quốc sớm hiểu thêm một điều rất đơn giản: Cho dù cô có bỏ thêm tiền để tầm soát ung thư mỗi tháng hay thậm chí mỗi tuần thì cô sớm muộn cũng không tránh được bệnh nếu cô cứ tiếp tục thức khuya, uống cà phê, hít khói thuốc lá của chồng, làm việc theo kiểu căng thẳng cho đúng “mốt” thời đại.
Phở nhiều thịt có gì hay!
11 giờ 30. Quá mệt mỏi với tiếng kèn xe, với nắng nóng, bụi mù trên đường phố TP.HCM nên tôi quyết định trốn vào một trung tâm thương mại sang trọng, không phải để tập làm người khoe của mà vì trung tâm có máy lạnh loại thật tốt. Kiên nhẫn lên đến lầu trên cùng để tìm cho được một chỗ ăn trưa. Chọn ngay tô phở đủ bộ tái, nạm, gầu, gân để mượn hương vị tìm lại phong độ. Nhà hàng thiết kế trang nhã, nhân viên phục vụ lịch sự, tô phở bắt mắt. Nhưng mới được mấy miếng lại có cảm giác tức tức làm sao. Chẳng qua vì tìm trong tô phở chỉ thấy toàn là… thịt! Đã thử qua nhiều nhà hàng, kể cả nhiều gánh hàng rong bên vệ đường, tôi có cảm tưởng nhiều người sau nhiều năm thiếu ăn nay đang quan niệm món ăn phải đầy thịt cá mới đáng đồng tiền, mới gọi là “chất lượng”. Ăn phở ngày xưa khi cúi đầu lùa phở là lúc cuộc đời lắng đọng mất mấy phút. Ăn phở bây giờ thực khách căng thẳng hơn nhiều vì phải gạn thịt để tìm… cọng bánh phở!
Món ăn nên thuốc là… ăn ngon
Qua nhiều bài viết trên trang sức khỏe, nhiều người lầm tưởng tôi có khuynh hướng cổ động, khi thì cho hình thức kiêng khem, lúc cho chế độ ăn chay… Tôi khẳng định là KHÔNG. Con người dù có khác nhau về nước tóc, màu da, ngôn ngữ, tập quán… đều ngồi vào bàn ăn với mong muốn thưởng thức món ăn… ngon! Khẩu vị không là thói quen. Khẩu vị là “tấm gương” phản ánh trung thực nhu cầu biến dưỡng của cơ thể. Thêm vào đó, cơ thể con người có bộ máy tiêu hóa đa nguyên. Nói cách khác, con người cần nuôi dưỡng cơ thể bằng nhiều loại lương thực khác nhau, từ nước uống, rau cải, trái cây bước qua sữa, thịt, cá, dầu mỡ… Một khẩu phần dưới hình thức nào bất kỳ, nếu đơn điệu và không hợp khẩu vị chắc chắn không chóng thì chầy cũng bất lợi cho sức khỏe trên cả hai mặt tâm thể. Món ăn nên thuốc trước hết phải là món ăn ngon và gần gũi với cuộc sống thực tế.
12 giờ 30. Chưa kịp đặt lưng nghỉ trưa thì cô em gái út đến thăm. Lý do chỉ vì cậu ấm của cô dạo sau này hay bỏ ăn, thậm chí nôn ọe khi đến bữa ăn. Cô lo lắm nên đã mang con đi cân đo để theo dõi cái gọi là tiến độ phát triển của trẻ dựa trên tiêu chuẩn về chiều cao và sức nặng của trẻ con bên… Mỹ. Theo kết quả đo đạc, tiếc ghê vì con cô hiện nay còn thiếu khoảng 2 cm và chừng 315 g là đạt… chỉ tiêu. Ngồi nghe cô kể lể, tôi chỉ nghĩ về thiên tài Lương Thế Vinh. Không biết ngày xưa mẹ ông Vinh đã nuôi ông ra sao, vòng đầu của ông thiếu mấy phân?
Ước gì em tôi bỏ chút thời giờ thử nghĩ lại xem cha mẹ ngày xưa trong thời chiến tranh gian khổ đã nuôi nấng cô thế nào để cô khôn lớn thành người. Con cô quả thật có lý khi nôn ọe từ chối món ăn, chẳng qua vì khẩu phần mà cô đã dày công chuẩn bị với đủ lượng và đủ loại sinh tố không phải là… món ăn.