5 giờ sáng 25-7, các tuyến đường vào Nhà tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) phủ kín người, trong đó có người già, thanh niên và trẻ nhỏ. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau như TP.HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình… nhưng đều có chung một mong muốn là được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ mong trời sáng để đi viếng
Anh Nguyễn Văn Thủy, ngụ xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, cho biết khi biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần anh rất buồn. Nên lúc nắm được thông tin về ngày quốc tang, hai vợ chồng liền đặt vé xe khách và ra tới Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) vào 4 giờ sáng nay. Sau đó, hai vợ chồng bắt xe ôm tới điểm viếng.
“Cả gia đình tôi đều rất ngưỡng mộ Tổng Bí thư vì ông đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Vì vậy chúng tôi ước nguyện một lần được cúi gập người để bày tỏ lòng biết ơn của một công dân đến Tổng Bí thư” - anh Nguyễn Văn Thủy chia sẻ.
Trong đám đông đang hướng mắt về phía Nhà tang lễ Quốc gia, chị Đào Thị Việt Anh (52 tuổi), liên tục đứng lên ngồi xuống vì nóng lòng được vào viếng Tổng Bí thư. Chị Anh cho biết TP.HCM cũng tổ chức lễ viếng nhưng đọc tin thấy tại Hà Nội cho người dân vào viếng Tổng Bí thư, nên chị vội vàng đặt vé máy bay ngay.
Có mặt ở sân bay Nội Bài từ 22 giờ tối ngày 24-7, chị Anh thuê xe về nhà người thân. Cả đêm nằm chị vẫn không thể nào chợp mắt vì mong trời sáng thật nhanh để vào viếng Tổng Bí thư.
5 giờ chị đã có mặt trong dòng người chờ đợi vào viếng, dù hơi mệt trong hành trình từ TP.HCM ra Bắc nhưng chị cho rằng không thấm gì với những việc Tổng Bí thư đã làm cho đất nước.
“Tôi chưa được gặp Tổng Bí thư nhưng rất ngưỡng mộ về những việc làm của ông đối với đất nước. Gần đây tôi có xem các phim và tư liệu về Tổng Bí thư mà không cầm được nước mắt, bởi cả cuộc đời ông đã dành trọn cho tổ quốc" - chị Việt Anh nói và cho biết sẽ chờ đến khi nào lực lượng chức năng cho vào viếng mới về.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng Ban liên lạc lớp văn khóa 8, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp dẫn đầu đoàn của lớp vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông cho biết toàn thể anh chị em lớp văn khóa 8 vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của người bạn hiền, người đồng môn thân quý.
“Chúng tôi xin vĩnh biệt anh Nguyễn Phú Trọng, mong anh ra đi về cõi người hiền, gặp Bác Hồ, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các bậc tiền nhân là nguyên khí quốc gia của đất nước. Thành kính chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư trước tổn thất lớn của gia đình, của đất nước, quê hương. Hình ảnh và tấm gương cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, nhân cách, sự nghiệp hoạt động của bạn hiền Nguyễn Phú Trọng sẽ không phai mờ trong lòng các đồng môn lớp văn 8” - ông Thiện nghẹn lời.
Còn bà Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi), ngụ huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nói đã lên Hà Nội từ hôm 24-7 và thuê một nhà trọ gần nhà tang lễ. Sáng nay bà dậy từ lúc 4 giờ chuẩn bị trang phục phù hợp để vào viếng Tổng Bí thư.
“Tôi rất thương bác, bác vẫn làm việc phục vụ Tổ quốc, nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Từ hôm biết tin bác từ trần, tôi không còn tâm trí làm việc gì khác, chỉ mong chờ đến ngày hôm nay để được vào viếng bác” - bà Lan nói.
Trong ấn tượng của bà Ngọc Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo tài ba, khi đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, đặc biệt trong vấn đề đối ngoại với các nước lớn.
“Thêm vào đó, Tổng Bí thư có một tâm nguyện rất đáng học tập, đó là nếu là hoa thì hãy là hoa hướng dương. Nếu là chim thì hãy là chim bồ câu trắng. Nếu là đá hãy là đá kim cương. Nếu là người hãy là người Cộng sản chân chính. Đó là những câu nói rất khắc cốt ghi tâm. Nhân dân chúng tôi hy vọng những người kế nhiệm sẽ học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” - bà Lan chia sẻ.
Chống gậy đưa tiễn người bạn học, ông Nguyễn Hữu Khang, lớp trưởng lớp văn khóa 8 (1963- 1968), Trường Đại học Tổng hợp, cho biết rất thương anh Trọng.
Ông Khang kể, thời đi học đất nước chiến tranh, gian khó nhưng có rất nhiều kỷ niệm. Anh Trọng là người hiền lành, được cử là cán sự học tập của lớp.
“Anh Trọng học giỏi lắm. Lớp đông, thời điểm đông nhất lên tới 120 người nhưng cả lớp chỉ có hai người được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên, trong đó có anh Trọng. Và tôi là người đạp xe từ nơi sơ tán về Lại Đà, Đông Hội, Đông Anh để xác minh lý lịch cho anh ấy, vậy mà giờ mỗi người một nơi” - ông Khang nói xong lấy tay lau vội giọt nước mắt đang lăn dài trên má.
“Cháu sẽ noi theo gương bác”
Đường vào nhà tang lễ không chỉ những người lớn tuổi mà nhiều em nhỏ, sinh viên cũng có mặt để mong cơ hội được vào viếng Tổng Bí thư.
Chị Hoàng Thị Phương, 23 tuổi, quê Nghệ An, hiện đang là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều sự quan tâm cho quê hương Nghệ An cũng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì vậy, chị rất biết ơn vì điều đó.
Vì vậy, chị cùng bạn đã có mặt nhà tang lễ từ 5 giờ sáng để xếp hàng với hy vọng được vào tiễn biệt bác lần cuối.
“Bác là một người vì nước, vì dân. Bác đã có hơn 55 năm đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản với nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến những giây phút cuối đời, bác vẫn tận tâm với đất nước. Trước sự ra đi của Tổng Bí thư, cháu rất buồn và thương tiếc…” – chị Phương chia sẻ.
Chị Phương hy vọng các bạn trẻ noi theo tấm gương, cốt cách của Tổng Bí thư để có nhiều đóng góp hơn nữa cho đất nước, cho xã hội. Để đất nước chúng ta ngày càng lớn mạnh, nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Có mặt tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông cùng mẹ, em Khánh Diệu, học sinh Trường Tiểu học Tô Hiệu, nói chỉ nhìn thấy bác trên truyền hình: “Cảm nhận của cháu là bác rất thân thiện và quan tâm đến những bạn nhỏ. Nên khi nghe tin bác mất, cháu cũng muốn được cùng mẹ vào viếng” - em Diệu chia sẻ.
Theo chị Đàm Tố Mai (mẹ cháu Diệu), từ khi biết bác mất, cháu luôn dõi theo truyền hình, đặc biệt là những thước phim tư liệu của bác.
Hôm nay có tin người dân được viếng tôi gác lại công việc dẫn con gái đi để con gái hiểu hơn về những người đã vì nước, vì Đảng, vì dân; có nhiều công lao to lớn với đất nước.
Từ đó, con sẽ học được đức tính biết ơn, biết ơn khi được sống trong một xã hội dân chủ văn minh, biết ơn vì được hưởng một nền giáo dục tiên tiến… Đó là nhờ ơn tất cả những người như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi được lực lượng an ninh thông báo, người dân sẽ được vào viếng vào buổi chiều muộn, chị cho biết, cả gia đình vẫn sẽ chờ để được vào viếng, bày tỏ tấm lòng thành kính của gia đình với cố Tổng Bí thư: “Đây là cơ hội cuối cùng để tri ân Bác” - Chị Mai nói và nhanh chân đứng vào dòng người xếp hàng chờ đến lượt đăng ký vào viếng Tổng Bí thư.
Ông Tưởng Duy Thanh (Ứng Hoà, Hà Nội) bày tỏ niềm cảm kích và khâm phục Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì công cuộc phòng chống tham nhũng bền bỉ qua nhiều năm. “Tổng Bí thư đã có công rất lớn lao với nhân dân và đất nước Việt Nam. Nhất là trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng để giữ gìn bộ máy trong sạch, giúp hàng triệu người dân tin tưởng vào Nhà nước, tích cực cống hiến, đóng góp cho Tổ quốc”.
Ông Thanh cũng hy vọng, các thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ tiếp tục học tập, kế thừa và phát huy mạnh mẽ cuộc chiến phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì một nước Việt Nam phồn thịnh hơn.