Nhiều hộ dân ở hẻm 192, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM về tình trạng nguồn nước máy bị ô nhiễm trong nhiều năm. Rất nhiều người đã bị mắc bệnh ngoài da và phải mua nước ở bên ngoài về phục vụ sinh hoạt, ăn uống.
Có nước mà không dám dùng
Ông Lê Vĩ, một người sống lâu năm ở hẻm 192, cho biết tình trạng nước như vậy đã kéo dài khoảng 10 năm nay nhưng không biết nguyên nhân do đâu.
“Nước bị bẩn nhiều nhất vào mỗi buổi sáng. Nước không chỉ có màu vàng, nhiều cặn mà còn có mùi tanh nên gia đình tôi chỉ sử dụng để rửa sân, giặt giũ. Tôi đã nhiều lần phản ánh với nhân viên thu tiền nước nhưng không thấy phản hồi. Hiện tôi phải dùng nước giếng làm nguồn nước sinh hoạt chính cho gia đình” - ông Vĩ nói.
Cách đó không xa, tình trạng nước ở nhà anh Trương Văn Khánh cũng tương tự. Gia đình anh lại không có nước giếng nên đành dùng nước máy và mua nước thùng về nấu ăn. Anh Khánh cho biết nguồn nước bị bẩn nặng nhất là khoảng sáu năm trở lại đây. Trong nhà anh có một bể chứa nên nhìn rất rõ tình trạng nước bị vàng và có mùi lạ.
“Không có nguồn nước khác nên tôi buộc phải lấy bông gòn để vào cái rổ dưới vòi nước để lọc cặn. Gia đình có sáu người thì cả sáu đều bị ngứa ran sau khi tắm, đi khám mới biết là bị dị ứng nước. Giờ mỗi khi tắm là phải nấu nước lên, vừa mất thời gian vừa tốn kém” - anh Khánh bức xúc.
Anh Khánh đưa cho chúng tôi xem chiếc rổ anh dùng để lọc nước. Miếng bông gòn trong rổ chỉ sau vài ngày đã từ màu trắng hóa thành đen sậm.
Miếng bông gòn lọc nước chỉ sau vài ngày đã từ trắng hóa đen. Ảnh: Đ.TRANG
Công ty cấp nước kiểm tra khẩn cấp
Theo người dân, hẻm này có khoảng 100 hộ đang sử dụng nguồn nước máy. Tuy nhiên, nhiều nhà đã bơm nước lên bồn nên không kiểm soát được tình hình vì cặn đã lắng xuống đáy. Đáng nói là các hẻm gần đó nguồn nước máy lại hoàn toàn bình thường, không có ai phản ánh nước bẩn hay bị dị ứng.
“Chúng tôi mong công ty cấp nước xuống kiểm tra đường ống nước, tìm ra nguyên nhân và khắc phục để người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo được sức khỏe. Ăn uống bằng nước như vậy lo lắm” - một người dân chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện phường Phú Thọ Hòa cho biết đến nay UBND phường chưa nhận được phản ánh từ các hộ dân về tình trạng nước bị nhiễm phèn, ô nhiễm. Qua thông tin từ báo chí, phường sẽ cho người xuống địa bàn xác minh, kiểm tra thực tế; từ đó gửi văn bản yêu cầu Công ty Cấp nước Tân Hòa xuống kiểm tra và có biện pháp giải quyết kịp thời cho người dân.
Trả lời về tình trạng nước ở hẻm 192, bà Trầm Thị Cẩm Vân, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Tân Hòa, cho biết: “Công ty không nhận được phản ánh của người dân về nguồn nước bị đổi màu, có cặn. Ngay trên địa bàn phường Phú Thọ Hòa cũng chưa từng nhận được phản ánh tương tự. Trước thông tin này, công ty đã gấp rút cử người xuống tận nơi để tìm hiểu vụ việc, xác định nguyên nhân”.
Trước mắt, phía công ty đưa ra dự đoán nước bị nhiễm phèn có thể do khách hàng ít sử dụng hoặc sử dụng nước không ổn định, dẫn đến tình trạng nước để lâu ngày sẽ có hiện tượng chuyển màu. Ngoài ra, có thể do người dân sử dụng hai nguồn nước (nước giếng và nước máy) cùng một bể chứa nên mới dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, thực tế số hộ dân có nước giếng ở hẻm 192 lại không nhiều.
“Ngoài việc cho người kiểm tra, công ty sẽ có phương án súc xả tuyến ống thường xuyên, bảo đảm chất lượng nước cho khách hàng” - bà Vân khẳng định.
Kết quả kiểm tra tại một hộ dân Ngay trong chiều 23-11, Công ty Cấp nước Tân Hòa đã trực tiếp lấy nước ngay sau đồng hồ nước tại địa chỉ 192/52/16 Phú Thọ Hòa để kiểm tra các chỉ tiêu tại chỗ dưới sự chứng kiến của người dân. Kết quả là độ đục 0.53 NTU QCVN01:2009/BYT: <=2NTU; clo dư: 0,3 mg/lít QCVN01:2009/BYT: 0,3-0,5 mg/lít. Kết quả này cho thấy chất lượng nước máy tại địa chỉ trên đạt yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng ăn uống của Bộ Y tế. Công ty sẽ tiếp tục kiểm tra tại tất cả hộ dân còn lại, nếu có tình trạng nước vàng sẽ tiến hành xây hầm xả cặn để súc xả định kỳ cho tuyến này. |