Uống thuốc qua toa sưu tầm: Hậu quả khôn lường

Ngại tìm tới bác sĩ chữa bệnh, nhiều người hỏi xin đơn thuốc của những người khác có triệu chứng giống bản thân hoặc lên mạng xin các bài thuốc được cho là... hiệu nghiệm. 

Tự chữa từ u lành thành u ác

Đi cầu khó khăn và ra máu ở hậu môn, anh Lê T. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đi khám ở một bác sĩ chuyên khoa và được kết luận bị trĩ nội độ 1, đồng thời được khuyên kiêng đồ cay nóng. Sau đó, kiêng khem thấy không ổn, anh T. lên mạng tham khảo và tìm mua thuốc để uống. Tại trang Facebook cộng đồng “chữa bệnh miễn phí” có hơn 11.000 thành viên tham gia, anh được nhiều người giới thiệu cho bài thuốc Đông y vừa bôi ngâm, vừa uống chữa bệnh này hiệu quả. Sau một lượt tham khảo và thấy nhiều người chia sẻ dùng có hiệu quả, anh mua về uống. Đến khi anh dùng đến liệu trình thứ hai thì bệnh không thuyên giảm mà càng nặng hơn, người luôn cảm thấy mệt mỏi. Tìm đến bác sĩ thăm khám, anh được biết thuốc có chứa chất dexa (một loại thuốc chứa corticoid kháng viêm mạnh, có nhiều tác dụng phụ) khiến men gan của anh tăng cao. Bác sĩ khuyến cáo nếu anh còn dùng thuốc này sẽ dẫn đến xơ gan. 

Trường hợp xin đơn thuốc Tây y lẫn Đông y tràn lan không phải là hiếm, thậm chí nhiều người còn xin các đơn thuốc chữa khối u xơ tử cung, viêm đại tràng... vì sợ đi mổ. Bên cạnh những lời khuyên các bài thuốc đã xài có hiệu quả, cũng có những người đã phải rút ra bài học “xương máu”. Chẳng hạn, anh Thành Tài (ngụ quận 6) cho biết mẹ anh lúc đầu có khối u đại tràng lành tính và đi khám ở BV Ung bướu TP.HCM, được bác sĩ khuyên mổ ngay nhưng bà sợ không dám mổ. “Nghe ở đâu có bài thuốc hay là bà tìm uống, các triệu chứng bệnh bị lấp hết đi nên tưởng khỏi. Đến khi không đi vệ sinh được, bà vào bệnh viện thì khối u chuyển sang ác tính kèm vỡ gây đau đớn, phải hóa trị hơn 10 lần và buộc phải làm hậu môn nhân tạo đến hết đời” - anh Tài kể lại. 

BS Võ Hồng Minh Công đang khám bệnh tại khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định. Ảnh: HL

Tình trạng xin đơn thuốc và cho đơn thuốc diễn ra phổ biến. Trong ảnh: Xin và cho đơn thuốc chữa trào ngược dạ dày.

Che lấp dấu hiệu cấp cứu

Theo TS-BS Võ Hồng Minh Công, Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định, tại khoa thỉnh thoảng tiếp nhận những trường hợp tự ý dùng thuốc theo kiểu rỉ tai khiến bệnh trầm trọng thêm. 

Một số bệnh nhân đã được chẩn đoán xơ gan, được bạn bè giới thiệu uống lá cây này cây kia. Thuốc không rõ nguồn gốc, họ uống một thời gian mà bệnh không thuyên giảm. Đến bệnh viện, họ được bác sĩ khám thì nhận thấy xơ gan đã nặng hơn, có trường hợp dẫn đến hôn mê gan. Có trường hợp mắc bệnh tiểu đường nhưng bệnh nhân không đi đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn mà tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc, được khen có công dụng hay trên mạng về uống khiến đường huyết không cải thiện dẫn đến tăng đường huyết, nhiễm toan nặng, nhập viện thì đã hôn mê và diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. 

Đặc biệt, có trường hợp người bệnh có những triệu chứng bệnh nhưng hoàn toàn không đi khám bác sĩ mà chỉ ở nhà tham khảo, nghe bạn bè, người quen mô tả triệu chứng thấy giống bệnh của mình thì xin toa thuốc đó mua về uống. Uống thuốc chẳng những không thấy giảm bệnh mà sau đó nhiều người bị viêm gan, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy thận. Có trường hợp uống theo toa thuốc cao huyết áp của người khác gây tụt huyết áp. 

TS-BS Công khuyến cáo người dân không nên tự ý bắt bệnh và dùng lại toa thuốc của người khác khi nghe mô tả triệu chứng bệnh giống mình. 

Theo BS Công, mỗi bệnh có rất nhiều triệu chứng, tập hợp đầy đủ triệu chứng thì mới suy ra được bệnh và cần phải có chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, mỗi người có thể trạng, đáp ứng thuốc khác nhau, cơ địa dị ứng và bệnh lý nền khác nhau, dùng toa thuốc không phù hợp với tình trạng bệnh và cơ địa sẽ rất nguy hiểm. 

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết có hai vấn đề nghiêm trọng gắn liền với tình trạng tự dùng thuốc ở nước ta là tự ý dùng thuốc thuộc loại bán theo đơn và tự ý dùng thuốc ở người mù tịt về thuốc. 

Theo PGS-TS-DS Hữu Đức, tự dùng thuốc rất nguy hiểm vì dùng thuốc không đúng có thể che lấp dấu hiệu cấp cứu ngoại khoa. “Thí dụ, có người đau bụng không rõ nguyên nhân như viêm ruột thừa, có thai ngoài tử cung mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau. Người bệnh thấy bụng hết đau dù bệnh vẫn còn nên không đi bệnh viện. Kết cuộc người này không được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu kịp thời” - PGS Đức dẫn chứng. 

Ngoài ra, theo PGS Đức, dùng đơn thuốc của chính mình hay của người khác, nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng để tự chữa cũng là việc làm sai. “Bởi một đơn thuốc luôn dành cho một cá nhân cụ thể trong một thời điểm cụ thể. Ngay cả bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống như trước nhưng có thể đã tiến triển ở mức độ nặng hơn, nếu dùng thuốc theo đơn cũ sẽ không còn hiệu quả” - PGS Đức khuyến cáo. 

PGS Đức kể lại trường hợp một bệnh nhân nữ bị tiểu đường hơn tám năm, được bác sĩ chuyên khoa chữa ba năm rất ổn. “Lần tái khám gần đây, đột nhiên đường huyết của bà tăng vọt. Bà khẳng định vẫn uống thuốc, tập thể dục đều đặn và không thay đổi chế độ ăn. Gặng hỏi mãi thì bà mới cho biết: “Thú thật với bác sĩ, hai tháng nay mỗi ngày tôi ăn thêm nửa quả dưa hấu vì con tôi xem trên mạng thấy có người bảo trong dưa hấu có chất trị được bệnh tiểu đường” - PGS Đức kể lại. 

Cũng theo PGS Đức, việc tự dùng thuốc qua thông tin trên mạng đang trở nên đáng lo ngại và cần cảnh giác trong việc thu thập những thông tin sức khỏe, y dược trên này. Dược phẩm luôn gắn liền với kinh doanh, không loại trừ nhiều thông tin về dược phẩm đã “bị nhiễu”, quảng cáo quá mức vì mục đích lợi nhuận.

Không được tự chữa tùy tiện

Đối với đơn thuốc của người khác thì hoàn toàn không được dùng nó tự chữa cho mình. Còn đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu, nếu bệnh trở lại cũng không tự ý lục ra dùng mà tốt nhất nên tái khám ở bác sĩ chữa cho mình trước đây.

 PGS-TS-DS NGUYỄN HỮU ĐỨC, ĐH Y Dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm