Bệnh nhân phải uống, chích thuốc mà không biết đó là thuốc gì.
Song hành với việc thực hiện nhà thuốc tốt - GPP, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 quy định cấm bác sĩ bán thuốc. Đây là chủ trương đúng đắn, luật hóa một quy định đã có từ lâu nay. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của phóng viên Pháp Luật TP.HCM, hầu hết bác sĩ vẫn bán thuốc bằng nhiều hình thức, trong đó có người đang giảng dạy cho sinh viên ngành y.
Bác sĩ bán thuốc: Mỗi người một kiểu
Phóng viên quay trở lại phòng mạch của Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Thanh N. tại đường Hòa Hảo (quận 10) trong vai bệnh nhân tái khám, sau khoảng bốn tháng từ lần đi thực tế trước, mọi chuyện vẫn diễn ra như cũ. Bác sĩ N. quản lý hồ sơ bệnh nhân bằng máy tính khá bài bản, lần trước chúng tôi được đo điện tim, hôm nay chỉ đo huyết áp, nhịp tim và căn cứ vào toa thuốc cũ để kê đơn cho chúng tôi theo căn bệnh chóng mặt khi lên cao (chúng tôi xưng mình làm xây dựng). Bác sĩ N. chẩn đoán chúng tôi bị Arrythe Sinusal - RLTĐ (rối loạn tiền đình).
Bác sĩ N. cho tôi hai tuần thuốc, tôi hoảng quá (vì sợ tốn tiền) nên xin ba ngày như lần trước. Bác sĩ N. bảo phải uống hai tuần mới thấy đỡ nhưng cuối cùng ông quyết định cho uống một tuần. Bác sĩ N. trấn an: Tiền thuốc không có mắc đâu.
Thuốc được giấu trong một tủ nhỏ, người bán thuốc tự xưng là… ba của bác sĩ N.! Ảnh: DUY TÍNH
Người bán thuốc (tự xưng là ba bác sĩ N.), ngồi một góc hẹp phía sau phòng khám. Trước mặt ông là một cái tủ sắt chứa toàn thuốc. Cũng như lần trước, vừa khám bệnh vừa lấy thuốc, chúng tôi phải trả hơn 80.000 đồng nhưng chẳng có một cái hóa đơn nào.
Chúng tôi qua phòng khám bác sĩ Q. cũng trên đường Hòa Hảo (quận 10) - đối diện khám lao phổi. Chúng tôi nói mấy hôm nay ho quá và chìa ra tờ khám bệnh cùng toa thuốc của “người hàng xóm” cho bác sĩ Q. xem. Bác sĩ Q. nghe phổi xong và bảo tim tôi đập hơi mạnh!
Nếu như bác sĩ N. nhờ ba ruột bán thuốc phía sau phòng khám thì bác sĩ Q. “tự biên tự diễn” ngay tại chỗ khám bệnh. Thuốc của ông bày trên bàn, trong ngăn. Ông dặn dò về ăn thật no và uống thuốc liền. “Lát về uống một viên đỏ, một viên xanh, hai viên vàng, hai viên bạc, sáng cũng vậy nhưng đến trưa thì chỉ còn uống một viên đỏ, một viên xanh” - bác sĩ Q. nói. Chúng tôi hỏi toa thuốc, bác sĩ Q. vừa kê toa vừa căn dặn chúng tôi chiều mai đến tái khám.
Cũng là giáo sư nhưng khác nhau về y đức
Chúng tôi tìm đến phòng mạch của PGS-TS-BS Lý Văn X. (phường 10, quận Gò Vấp), hiện là trưởng phòng Đ - Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Phòng mạch của PGS X. nằm đối diện UBND quận, hoạt động từ 5 giờ 50 đến 8 giờ tối các ngày thường.
Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại phòng mạch của PGS X. Chúng tôi nói ho, sốt. Sau khi đo huyết áp, nghe nhịp tim, bác sĩ X. tiêm cho một loại thuốc trong ống nâu nâu như lần trước, sau đó ông bóc thuốc từ vỉ ra thành từng viên và đưa cho người phụ nữ bên cạnh bỏ vào bao nylon bấm lại. Chúng tôi hỏi toa thuốc, người phụ nữ nói không có.
Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến khám PGS X., lần này ông không tiêm mà chỉ cho thuốc uống. Hỏi đơn thuốc, người phụ nữ tiếp tục lắc đầu. Mặc dù ba người chúng tôi khai bệnh khác nhau nhưng ba liều thuốc uống, na ná ba liều thuốc hôm trước. Những bệnh nhân cũ cho rằng ai cũng được tiêm và cho ba liều uống! Đặc biệt là hầu hết các thuốc của PGS X. đều được bóc ra khỏi vỉ.
Quay lại quận 1, phòng mạch chuyên về tiết niệu của PGS-TS-BS Vũ Lê Chuyên, Phó Giám đốc BV Bình Dân ở 23 Đinh Công Tráng, giá khám bệnh khá cao: 70.000 đồng/lần. Tuy nhiên, PGS Chuyên chỉ kê toa thuốc. Chúng tôi thắc mắc là tại sao không bán thuốc. “Tôi chỉ biết khám bệnh chứ không biết buôn bán gì hết” - PGS Chuyên trả lời thẳng thắn. Dưới toa thuốc, ông ghi dòng chữ dặn dò: Không nên dùng thuốc quá liều quy định!
Theo thông tin chúng tôi nắm được, phòng bác sĩ phụ sản, tim mạch, tiêu hóa… là những nơi bán thuốc nhiều nhất, đó là chưa tính bác sĩ kê toa ăn hoa hồng ở những nhà thuốc bán thuốc đặc trị.
Cần tăng mức phạt Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, TP hiện có trên 8.000 phòng mạch. Sơ kết thanh tra năm 2010, thanh tra y tế đã tịch thu tại các nhà thuốc, phòng mạch hơn 280 khoản thuốc không được phép lưu hành, hơn 200 khoản thuốc quá hạn dùng và 65 khoản mỹ phẩm không số đăng ký, trong đó phát hiện 4,7% bác sĩ bán thuốc. Theo Thanh tra Sở, Nghị định 45 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế là cào bằng, chưa phân định rõ quy mô kinh doanh. Sở Y tế nhiều lần kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 45 cho phù hợp với tình hình thực tế và tăng xử phạt, bởi mức xử phạt hiện này quá thấp, chưa đủ sức răn đe. |
DUY TÍNH