Ủy ban bị kiện vì tờ khai sinh không có tên cha

Tháng 8-2018, bà NTH (SN 1981, quê Hà Nội, ngụ tại quận 7, TP.HCM) nộp đơn khởi kiện UBND quận Bình Thạnh ra TAND TP.HCM. Lý do là UBND quận này ra quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy khai sinh của con gái bà.

Đòi bồi thường mỗi ngày 1 triệu

Bà H. cho biết bà nộp hồ sơ khai sinh cho con gái tên M. sinh ngày 31-5-2017 tại UBND phường 17, quận Bình Thạnh và giữa tháng 8-2017, bà nhận được giấy khai sinh của con do UBND phường 17 cấp. Nhưng cuối tháng 4-2018, bà lại nhận được quyết định của UBND quận Bình Thạnh về việc thu hồi và hủy bỏ giấy khai sinh này.

Theo bà H., việc thu hồi là vi phạm pháp luật, quyền con người, quyền công dân và Luật Hộ tịch. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của con gái bà và gây thiệt hại kinh tế cho bà khi phải bỏ công việc đi khiếu nại, khiếu kiện. Vì vậy, bà khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy quyết định trên và bồi thường tổn thất mỗi ngày 1 triệu đồng, cụ thể là 422 triệu đồng, tương đương 422 ngày.

Phía bị đơn - UBND quận không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H. Người liên quan là đại diện UBND phường 17 thì cho rằng tháng 6-2017, bà H. đến nộp hồ sơ đề nghị đăng ký khai sinh cho con và yêu cầu để trống phần thông tin người cha. Theo quy định, con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Nếu cha mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. Từ đó, UBND phường đã hướng dẫn bà H. liên hệ TAND quận Bình Thạnh để xác định ông N. (chồng đã ly hôn của bà) không phải là cha của đứa bé.

Một tháng sau, bà H. quay lại phường thông tin đã liên hệ nhưng tòa án quận không đồng ý nhận đơn theo yêu cầu của bà. Lý do là việc đăng ký khai sinh phải căn cứ vào Luật Hộ tịch chứ không phải căn cứ theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Trong khi theo Luật Hộ tịch thì thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc mẹ chứ không liên quan đến tòa.

Lúc này, UBND phường lại tiếp tục giải thích là bà H. cần liên hệ tòa án để xác định cha cho con bà. Nhưng đến ngày 11-8-2017, bà H. trở lại phường cho biết tòa án trả lời là không có phát sinh tranh chấp nên không nhận đơn. Tòa đã hướng dẫn bà H. liên hệ UBND phường để được cấp giấy khai sinh cho con theo quy định. Do đó, bà H. đề nghị phường đăng ký khai sinh cho con bà và để trống phần thông tin người cha, nếu không làm thì phải trả lời bằng văn bản để bà có cơ sở đi khiếu nại.

UBND quận thu hồi đúng

Cuối tháng 3-2018, Phòng Tư pháp quận kiểm tra công tác hộ tịch xác định hồ sơ cấp giấy khai sinh này không đúng trình tự thủ tục. Cụ thể,  hồ sơ thiếu quyết định đình chỉ của tòa án về việc nhận cha nên UBND quận thu hồi và hủy bỏ giấy khai sinh. Sau đó, phường có công văn gửi bà H. thông báo và đề nghị liên hệ phường để được hướng dẫn cấp giấy khai sinh mới nhưng bà không đến.

Chúng tôi thu hồi đúng

Chúng tôi cho rằng việc UBND phường 17 cấp giấy khai sinh cho con gái bà H. chỉ căn cứ vào cam đoan của mẹ mà bỏ trống phần thông tin người cha là không đúng. Vì vậy, UBND quận ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh là chính xác nên chúng tôi không đồng ý với yêu cầu của bà H.

Đại diện UBND quận Bình Thạnh

Không làm theo hướng dẫn của phường

Tôi thừa nhận UBND phường 17 có hướng dẫn tôi làm thủ tục cấp mới giấy khai sinh sau khi giấy khai sinh cũ bị thu hồi. Nhưng do tôi không đồng ý việc UBND quận hủy giấy khai sinh cũ nên tôi không làm thủ tục cấp giấy khai sinh mới theo hướng dẫn của UBND phường.

 H.

Quyết định của tập thể

Sau khi bà H. trình bày nhiều khó khăn nhằm bảo đảm quyền lợi cho trẻ, UBND phường đã có báo cáo. Sau đó, Ban Thường vụ Đảng ủy phường và tập thể lãnh đạo UBND phường (gồm Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Hội Liên hiệp phụ nữ) đã thống nhất làm giấy khai sinh cho con bà H. để trống thông tin người cha. Nếu có phát sinh khiếu nại thì yêu cầu bà H. bổ sung phiếu xét nghiệm ADN và thu hồi, cấp giấy khai sinh mới theo quy định. Ngày 11-8-2017, bà H. đã làm cam kết như trên nên UBND phường đã cấp giấy khai sinh cho cháu M.

Đại diện UBND phường 17

Tại phiên xử sơ thẩm mới đây, bà H. giữ nguyên yêu cầu đòi UBND quận bồi thường tổn thất tinh thần 422 triệu đồng và tiếp tục bồi thường cho đến ngày cấp giấy khai sinh mới cho con bà.

Tại tòa, UBND phường 17 cho biết ngoài việc gửi công văn đề nghị bà H. liên hệ để hướng dẫn làm giấy khai sinh mới thì còn gửi cho UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội để có thông tin hướng dẫn bà H. thực hiện nếu bà H. liên hệ nơi đây đề nghị cấp giấy khai sinh. Về việc cấp giấy khai sinh không đúng, UBND quận còn yêu cầu phường kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, công chức phường 17 đã thực hiện việc đăng ký khai sinh sai nêu trên.

HĐXX nhận định căn cứ các mốc thời gian, con bà H. là do bà sinh ra trong thời kỳ hôn nhân và là con chung của bà H. và ông N. Trong hồ sơ đăng ký giấy khai sinh, bà H. không cung cấp được văn bản của tòa án xác định trẻ không phải là con của ông N. Bà H. cũng không cung cấp được kết quả giám định ADN xác định ông N. không phải là cha đẻ. Thực tế, người cha cháu M. cũng không có yêu cầu nhận con trong trường hợp tòa án không thụ lý, giải quyết hoặc đình chỉ giải quyết do không có tranh chấp.

Do đó, việc UBND phường 17 cấp giấy khai sinh cho trẻ mà để trống thông tin người cha như trên là trái quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình; Điều 14, 16 Luật Hộ tịch và Công văn số 835/HTQTCT-HT của Cục Hộ tịch.Vì vậy, việc thu hồi và hủy bỏ giấy khai sinh của UBND quận là đúng quy định nên không có căn cứ để chấp nhận các yêu cầu của bà H.

Khai sinh cho trẻ không phải là con chung

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Nếu người cha không thừa nhận con hoặc người mẹ nói đó không phải là con của người chồng thì phải được tòa án xác định. Nếu tòa không thụ lý hoặc đình chỉ do không có tranh chấp thì để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em, UBND cấp xã đăng ký giấy khai sinh cho trẻ theo diện con chưa xác định được cha theo Điều 15 Nghị định 123/2015 của Chính phủ (nếu kết quả giám định ADN xác định người cha không phải là cha đẻ và không có yêu cầu nhận con). Nếu người cha có yêu cầu nhận con thì kết hợp giải quyết đăng ký giấy khai sinh và nhận con theo Điều 12 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp.

Luật sư NGUYỄN NGỌC TÚY LINHĐoàn Luật sư TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm