Bài viết “Chưa đăng ký kết hôn, cha khai sinh cho con ra sao?” mà báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải ngày 8-5 không chỉ là bức xúc riêng của anh NQH khi làm giấy khai sinh cho con ở huyện Nhà Bè.
Luật cho người dân chọn hai cách để làm
Hiện nay, theo Điều 11 của Thông tư 15 thì việc chứng minh quan hệ cha, mẹ, con được làm theo hai cách:
- Cách thứ nhất là xét nghiệm ADN.
- Cách thứ hai là phải có thư từ, phim ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Trên thực tế, một số địa phương khi giải quyết những trường hợp cha, mẹ không đăng ký kết hôn khi làm giấy khai sinh kết hợp thủ tục nhận cha, mẹ, con thì đa phần các phường, xã đều làm theo cách thứ nhất, tức yêu cầu phải xét nghiệm ADN. Bởi kết quả xét nghiệm ADN là cách chính xác và nhanh nhất để xác định mối quan hệ cha con. Rất nhiều nơi không cho người dân chọn cách thứ hai.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Minh Phương ở phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM, đến phường hỏi thủ tục đăng ký khai sinh cho con chị. Do vợ chồng chị không đăng ký kết hôn nên được một cán bộ phường hướng dẫn: Phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh mối quan hệ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng chị không có tiền để làm xét nghiệm theo yêu cầu. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, UBND phường đã giải quyết cấp giấy khai sinh có tên cha, không cần kết quả xét nghiệm ADN mà chỉ dựa theo những hình ảnh chứng minh mối quan hệ của chị Phương cung cấp kèm theo giấy cam kết mối quan hệ.
Tương tự, trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Phương ngụ 36/5A thị trấn Nhà Bè khi làm thủ tục nhận cha, mẹ, con để làm giấy khai sinh cho con gái cứ hết vấp chỗ này lại vướng chỗ nọ chỉ vì vợ chồng anh chưa đăng ký kết hôn. Để giải quyết trường hợp của anh Phương, cán bộ xã yêu cầu phải xét nghiệm ADN hoặc cung cấp thư tỏ tình của người cha thì mới giải quyết. Sau thời gian, từ sự can thiệp của báo mà trường hợp của anh Phương mới được giải quyết, không cần phải xét nghiệm ADN hay thư tỏ tình mà chỉ dựa theo những hình ảnh vợ chồng anh có.
Những đứa trẻ đã từng bị gặp khó khi làm giấy khai sinh vì cha mẹ chưa đăng ký kết hôn. Có nơi đòi phải có thư tình của cha với mẹ (ảnh 1), có nơi đòi phải xét nghiệm ADN (ảnh 2). Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Cán bộ chỉ chọn cách một
Từ những thực tế trên cho thấy hiện nay các cán bộ xã vẫn còn lúng túng về những chứng cứ để chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con khi giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh có tên cha mà không có giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ.
Nguyên do là pháp luật hiện hành chỉ nêu gọn là phải có thư từ, phim ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Vậy những hình ảnh, thư từ chứng minh buộc phải có trước hay sau khi trẻ được sinh ra? Nếu lỡ mai này có tranh chấp thì trách nhiệm thuộc về ai?
Tại Điều 11 Thông tư 15 nêu trên cũng đã có hướng mở rằng “cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật”. Tuy nhiên, dù pháp luật cho phép người dân được lựa chọn hai cách để chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con nhưng thực tế cho thấy vì ngại trách nhiệm nên cán bộ phường, xã thường chọn cách thứ nhất cho an toàn - là yêu cầu xét nghiệm ADN. Thế nhưng mỗi người một cảnh, có những người dân không thể chọn xét nghiệm ADN (vì tốn kém, vì lỡ sau này con biết sẽ buồn vì nghĩ cha nó không tin mẹ nó - như trường hợp của anh NQH). Chính vì thế, việc làm giấy khai sinh cho những đứa trẻ có cha mẹ chưa đăng ký kết hôn cứ dùng dằng dây dưa mãi dẫn đến chậm trễ, quá hạn. Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người dân.
Vì thế, ngành tư pháp cần có một hướng dẫn cụ thể để cán bộ thụ lý mạnh dạn, yên tâm thực hiện.
“Xét nghiệm ADN cho chắc” Những trường hợp giải quyết đăng ký giấy khai sinh cho trẻ mà cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì phường sẽ thực hiện hai thủ tục cùng lúc là thủ tục nhận cha, mẹ, con và đăng ký khai sinh. Đối với thủ tục nhận cha, mẹ, con thì thông thường phường hướng dẫn người dân xét nghiệm ADN để chứng minh mối quan hệ và đây cũng là cách chứng minh chính xác và nhanh nhất. Khi người dân được hướng dẫn xét nghiệm ADN thì mọi người đều thực hiện và phường chỉ cần kết quả xét nghiệm là đủ chứ không đòi hỏi những thư từ, hình ảnh khác. Trước đây phường đã từng giải quyết một trường hợp đăng ký khai sinh cho con mà cha mẹ có giấy chứng nhận kết hôn sau khi sinh đứa bé ra. Sau khi thực hiện các thủ tục theo cách thứ hai theo như Điều 11 Thông tư 15 là viết cam kết và chứng minh chứ không xét nghiệm ADN thì phường đã giải quyết cấp giấy khai sinh cho trẻ. Một thời gian sau, vợ chồng này không hợp nhau và ra tòa ly hôn. Tòa tuyên người chồng phải cấp dưỡng hằng tháng cho đứa con. Lúc này người chồng bảo đứa bé không phải con chung của hai vợ chồng. Thế là tòa yêu cầu phường phải hủy giấy khai sinh đã cấp. Sau khi hủy, phường phải báo cáo giải trình, rất mất thời gian. Chính vì thế, khi giải quyết đăng ký khai sinh mà cha mẹ không đăng ký kết hôn thì cứ xét nghiệm ADN cho chắc. Ông TRẦN MINH TÚ, Chủ tịch UBND phường |