Theo nội dung bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hương Lan (ngụ huyện Phú Giáo, Bình Dương) trình bày: Năm 2010, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Giáo đến gia đình bà vận động để UBND huyện thu hồi khoảng 8.000 m2 đất để xây trường học. Một năm sau, UBND huyện Phú giáo thu hồi thêm khoảng 900 m2 đất.
Quyết định thu hồi đấtbốn năm mới giao
Ngày 22-2-2012, bà Lan cùng trung tâm phát triển quỹ đất huyện phú giáo tiến hành đo đạc và thống nhất ra bản đồ trích đo địa chính gần 9.000 m2. Sau đó, đất của bà Lan được áp giá bồi thường đất nông nghiệp là 355.000 đồng/m2 và đất ở là gần 3,5 triệu đồng/m2.
Ngày 16-7-2018, bà Lan mới được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Giáo bàn giao quyết định thu hồi và các quyết định phê duyệt phương án bồi thường tái định cư. Các quyết định này ghi ngày 20-10-2014 do UBND huyện Phú Giáo ban hành, tức là sau gần bốn năm người dân mới nhận được quyết định.
Bà Lan cho rằng 900 m2 đất là phần đất đang kinh doanh bị áp giá thấp... Ảnh: VH |
Lúc này, bà Lan thấy quyết định thu hồi 900 m2 đất là phần đất đang kinh doanh nhà nghỉ và bể bơi lại áp giá thấp 3,5 triệu đồng/m2 đất ở như ban đầu nên không đồng ý.
Sau đó, bà Lan làm đơn khiếu nại nhưng bị UBND huyện Phú Giáo bác đơn. UBND huyện cho rằng các thủ tục tiến hành thu hồi đất và áp giá bồi thường cho hộ gia đình bà Lan là đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2014 đã ba lần thực hiện chi trả toàn bộ số tiền bồi thường thu hồi đất cho bà Lan là hơn 6,6 tỉ đồng.
Tháng 11-2019, bà Lan khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu hủy các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Giáo. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lan.
VKSND tỉnh Bình Dương kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị sửa án, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan vì cho rằng vi phạm Luật Đất đai về thu hồi đất, các thửa đất thu hồi mâu thuẫn, trái luật.
UBND huyện phải thẩm định lại đơn giá bồi thường
Theo bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao TP.HCM ngày 20-10-2020, UBND huyện Phú Giáo đã có vi phạm trong quá trình ban hành và thông báo thu hồi đất. Quyết định thu hồi đất ban hành năm 2014 đã không giao cho người có đất bị thu hồi là vi phạm quy định của Luật Đất đai và điều 17 nghị định 43/2014.
Đặc biệt, UBND huyện Phú Giáo thu hồi các thửa đất không thống nhất, có mâu thuẫn và không phù hợp đối với các thửa đất. Quá trình áp giá bồi thường bổ sung đất nông nghiệp là 355.000 đồng/m2 và đất ở là gần 3,5 triệu đồng/m2.
Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện bà Lan đồng ý đối với việc áp giá bồi thường này. Tuy nhiên, UBND huyện Phú Giáo lại ghi trong biên bản họp hội đồng thống nhất đơn giá bồi thường ngày 16-9-2014 bà Lan hoàn toàn thống nhất với mức áp giá cũ đối với diện tích thu hồi bổ sung 900 m2. Điều này là không phù hợp vì bà không tham gia họp, không có tên trong biên bản và cũng không có chữ ký trong biên bản.
Ngoài ra, bản án còn xác định diện tích đất xây dựng hồ bơi, có giấy phép kinh doanh nhưng UBND huyện Phú Giáo lại cho rằng hồ bơi không còn hoạt động, chỉ xác định là bể nước. Từ đó áp mức giá 600.000 đồng/m2 là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bà Lan.
Vì vậy, HĐXX quyết định hủy toàn bộ quyết định thu hồi đất, buộc UBND huyện Phú Giáo xem xét thẩm định lại đơn giá bồi thường và hỗ trợ thu hồi đất theo quy định. Tòa buộc UBND huyện Phú Giáo phải thực hiện nhiệm vụ công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Gần hai năm, UBND huyện chưa thi hành án
Ngày 31-3-2021, chánh án TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định buộc thi hành án (THA) hành chính đối với bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM với nội dung: Buộc THA đối với UBND huyện Phú Giáo. UBND huyện Phú Giáo có trách nhiệm THA ngay sau khi nhận được quyết định này. Cục THA dân sự có trách nhiệm theo dõi việc THA theo quyết định này. Thế nhưng đến nay UBND huyện Phú Giáo vẫn không thực hiện THA.
Chiều 2-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Cục THA dân sự tỉnh Bình Dương khẳng định mới nhận được quyết định buộc THA của TAND tỉnh Bình Dương. “Sau khi nhận được quyết định, cục trưởng Cục THA dân sự đã có quyết định phân công chấp hành viên thực hiện theo dõi THA hành chính theo quyết định của tòa. Còn lý do tại sao quyết định buộc THA của TAND tỉnh Bình Dương đã có gần hai năm đến nay mới gửi sang bên Cục THA dân sự chúng tôi không rõ, phải hỏi bên tòa án tỉnh” - vị này cho biết.
Trả lời về lý do quyết định buộc THA đã có gần hai năm đến nay mới gửi sang Cục THA dân sự, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Hoàng cho biết: “Sẽ kiểm tra lại và thông tin sau”.
Chiều cùng ngày, Cục THA dân sự tỉnh Bình Dương đã làm việc với người được THA và người bị THA. Đại diện UBND huyện Phú Giáo cho biết đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát các thủ tục bồi thường để tham mưu, giải quyết. Đồng thời, UBND huyện có đơn kiến nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm gửi TAND Tối cao đối với bản án phúc thẩm.
Để thông tin rõ hơn về sự việc đã hai năm bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật nhưng UBND huyện Phú Giáo vẫn không thực hiện THA, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, nhưng vẫn chưa liên hệ được.