Vác tiền đi mua chương trình truyền hình thực tế

Rất nhiều nhà sản xuất chương trình Việt cùng có mặt để săn những format (định dạng) chương trình trên sóng truyền hình phù hợp thị hiếu người Việt tại Hội chợ nội dung Busan (Busan Contents Market - BCM) diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 10 đến 13-5 vừa qua.

Trăm email không bằng… một gặp gỡ

Hội chợ năm nay có gần 300 gian hàng, trong đó có những đài truyền hình, hãng sản xuất lớn nhất Hàn Quốc, quen thuộc với thị trường Việt Nam: KBS, MBC, SBS, EBS, CJ E&M…

Đây là nơi mua bán bản quyền các chương trình truyền hình, phim truyền hình, thậm chí phim tài liệu, phim điện ảnh, âm nhạc… Nếu các nhà sản xuất Việt không tỉnh táo cũng sẽ dễ dàng mua format xong về không sản xuất được vì không hợp thị hiếu khán giả.

Với kinh nghiệm rảo các hội chợ mua bán nội dung trên thế giới gần 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông TKL (đơn vị chuyên mua bản quyền các chương trình, phim truyền hình… cho các công ty thuộc Đất Việt VAC), cho biết: “Tham gia các hội chợ để củng cố thêm mối quan hệ với các công ty đa quốc gia trên thế giới. Một cuộc thảo luận tại hội chợ đôi khi quan trọng hơn nhiều email”.

Cũng có mặt tại hội chợ, bà Lê Hạnh, Giám đốc điều hành TV Hub, cho rằng: “Tới các hội chợ, ngoài việc mua bán thì hội chợ là nơi để nhìn rõ nhất bức tranh toàn cảnh của xu hướng nội dung truyền hình của các nước. Nên việc có mặt tại các hội chợ giúp những nhà sản xuất nắm được trào lưu nào đang thống lĩnh thị trường giải trí qua tivi, những chương trình nào thoái trào…”.

Đại diện Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đang trao đổi nội dung chương trình tại Busan Content Market 2016. Ảnh: QUỲNH TRANG

Việt hóa sau khi mua

Hàng ngàn chương trình giải trí, phim truyền hình từ các nước được mua bản quyền phát sóng trên truyền hình trong nước mỗi năm.

Việc ký kết hợp đồng để mua được định dạng chương trình không quan trọng bằng việc làm sao để Việt hóa chương trình ấy cho phù hợp thị hiếu khán giả nội địa.

Thực tế câu chuyện Việt hóa chương trình mua từ format nước ngoài không phải là chuyện dễ. Với các chương trình tìm kiếm tài năng có yếu tố giải trí: The Voice, The Voice Kids, Vietnam Idol, Vietnam’s Next Top Model, Vietnam’s Got Talent, The X-Factor, The Winner Is, Project Runway… ở phiên bản nước ngoài thì sự nhận xét của giám khảo, phần trình diễn của thí sinh tạo kịch tính cho chương trình đôi khi từ ngôn ngữ, hành độc gây sốc. Nếu bê nguyên như thế lên truyền hình Việt thì lại khó chấp nhận. Các chương trình này Việt hóa bằng cách đi vào những câu chuyện mang tính lấy nước mắt như thí sinh nghèo khó vươn lên, thí sinh bị khuyết tật (về tâm lý hoặc cơ thể)… Nhưng khi truyền hình thực tế quá phụ thuộc vào kiểu Việt hóa bằng câu chuyện như thế đã dẫn đến nhiều câu chuyện thương tâm được dàn dựng hoặc rơi vào lối mòn, mất lòng tin ở khán giả.

Dù nhiều chương trình Việt hóa chưa tốt thật sự nhưng cũng có không ít chương trình được Việt hóa thành công khiến nhà cung cấp phiên bản gốc phải ngỡ ngàng. Tại BCM vừa qua, đài truyền hình KBS đã đưa chương trình Thiên đường ẩm thực do Việt Nam sản xuất theo định dạng The King of Food của KBS như một ví dụ thành công của việc địa phương hóa format này. Hay các chương trình: Thách thức danh hài; Đấu trường tiếu lâm; Ơn giời, cậu đây rồi; Thử thách cùng bước nhảy; Gương mặt thân quen… là những chương trình cũng từng đem lại ngạc nhiên cho các nhà cung cấp bản quyền bởi phần Việt hóa thành công.

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất Việt sau thời gian tìm kiếm format ngoại ở các hội chợ vẫn hy vọng làm sao từ việc mua format thấy được bức tranh quốc tế mà kích thích được trong nước sản xuất ra những chương trình định dạng thuần Việt. “Việt hóa được thì tốt rồi nhưng quan trọng là làm cho được những chương trình thuần Việt thì mới hy vọng chúng ta không bị xâm lăng văn hóa. Chứ cứ vác tiền đi mua về làm y chang chương trình nước ngoài thì mãi mãi nhà sản xuất, khán giả… là người phụ thuộc về văn hóa mà thôi” - ông Đỗ Văn Bửu Điền, Tổng Giám đốc Điền Quân Media & Entertainment, khẳng định.

Cả trăm triệu cho mỗi tập phim Hàn

Hàn Quốc được ví là “thủ đô” của những sêri phim drama (chính kịch) trên truyền hình. Đặc biệt với thị trường Việt Nam, phim truyền hình Hàn Quốc gần gũi với văn hóa, tập quán người Việt nên càng được các nhà nhập phim Việt tranh nhau. “Nhiều đơn vị đã chọn mua hẳn nguyên khung giờ phát sóng phim truyền hình của một đài truyền hình nào đó chứ không chỉ mua từng phim. Bởi sểnh ra sẽ mất ngay phim hay, thà mình mua nguyên khung giờ mỗi năm ví dụ 500 tập, nếu phim nào không hợp mình đổi phim, miễn đảm bảo 500 tập mỗi năm” - bà Đào Thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Truyền thông Lê Đào, cho biết.

Thông thường hợp đồng phim truyền hình Hàn Quốc bán bản quyền khai thác cho Việt Nam trị giá trong vòng ba năm, mỗi tập phim giá trung bình 2.500-7.000 USD/tập với những phim thông thường. Với những phim đang thời thượng như Hậu duệ mặt trời, Vì sao đưa anh tới… giá còn cao hơn bởi hiệu quả quảng cáo thu được là vô cùng.

__________________________________

Việt Nam cũng có mô hình hội chợ nội dung như các nước với tên gọi Telefilm (Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam - Vietnam International Exhibition on Films and Television Technology) do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ năm 2013. Telefilm là đối tác của Busan Content Market và sẽ tổ chức từ ngày 13 đến 15-7 sắp tới tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E (Hà Nội). Dự kiến Telefilm năm nay sẽ có khoảng 350 gian hàng của các đài truyền hình, nhà sản xuất nội dung, trung tâm nghiên cứu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm