Vải thiều Bắc Giang 'chiến đấu' trực tiếp với vải Trung Quốc

Sáng nay, 26-5, lô hàng 20 tấn vải sớm Tân Yên (Bắc Giang) chính thức xuất hành sang thị trường Nhật Bản.

Lô vải này do các doanh nghiệp (DN) gồm Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty CP Quốc tế Bambo thực hiện xuất khẩu.

Vải sớm Tân Yên (Bắc Giang) được nhiều khách hàng trong và ngoài nước yêu thích, ưa chuộng. Ảnh: SCT Bắc Giang

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Nguyễn Viết Toàn, năm nay, diện tích vải thiều toàn huyện đạt hơn 1,3 nghìn ha, sản lượng ước đạt 14 nghìn tấn.

Năm nay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song huyện Tân Yên tập trung bảo đảm cho các vùng vải thiều sạch, không bị tác động của dịch COVID-19.

"Chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, lập các tổ chốt kiểm soát người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung, bảo đảm quy định phòng dịch; kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều, bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng COVID-19" - ông Toàn nhấn mạnh.

Vải thiều Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận, yêu thích. Ảnh: BCT

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu cho biết, hiện thương hiệu quả vải của Việt Nam, trong đó có vải thiều Bắc Giang đang rất được ưa chuộng tại Nhật Bản.

"Người tiêu dùng Nhật Bản ghi nhận vải thiều Bắc Giang vượt trội, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đẹp về màu sắc, hương vị; cạnh tranh trực tiếp với các loại quả vải của Đài Loan và Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản mong chờ quả vải đầu tiên của Bắc Giang cập bến" - ông Phương cho biết.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phía Việt Nam sẽ thực hiện giám sát xử lý theo quy trình. Cục đã triển khai, bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát và kiểm tra kiểm dịch thực vật, cấp giấy chứng nhận tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu.

Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng giá vải các DN thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân đạt 55.000 đồng/kg. Mức giá này người sản xuất có thể yên tâm sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Năm 2020, năm đầu tiên quả vải Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Khi đó, các lô vải thiều khi sang Nhật được đóng hộp nhỏ 200gr, được bày bán tại siêu thị với giá khuyến mãi là 489 yen, giá gốc là 537 yen, tương đương hơn 100.000 đồng/kg. Tính ra, 1kg vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật có giá lên tới 500.000 đồng.

Nhiều DN đánh giá, việc quả vải Việt Nam mở cửa được thị trường Nhật Bản và được người dân nước này đón nhận, mua với giá cao là một bàn đạp rất tốt để xúc tiến sang các thị trường khó tính khác, nâng cao giá trị quả vải Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm