Trưa 23-9, ông Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), thông tin đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản hồi từ ngành chức năng tỉnh về việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại thủy sản do ô nhiễm trên sông cái Nước Đục.
Khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh có yêu cầu địa phương khảo sát thực tế, thống kê lại thiệt hại của bà con. Sau khi có kết quả, UBND thị xã đã báo cáo về UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đồng thời đề xuất sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho người dân.
“Tuy nhiên, theo quan điểm của ngành chức năng tỉnh, đây không phải là thiên tai nên sử dụng nguồn tiền này là không hợp lý, phải chờ xác định nguồn gây ra ô nhiễm để yêu cầu bồi thường” - ông Danh thông tin thêm.
Ô nhiễm nguồn nước hồi tháng 4-2019 làm thủy sản của bà con chết hàng loạt. Ảnh: CHÂU ANH
Trong lúc chờ ngành chức năng điều tra để tìm ra nguyên nhân căn cơ của vụ ô nhiễm, nhiều hộ dân sống cặp hai bên bờ sông cái Nước Đục đang rất mong chờ tiền hỗ trợ để mua con giống thả nuôi lại vụ mới.
Một hộ dân ngụ phường Thuận An, thị xã Long Mỹ cho biết khoảng ngày 20-4, ba vèo ếch với khoảng 8.000 con chuẩn bị xuất bán của gia đình đột nhiên chết hàng loạt. Qua tìm hiểu, nhiều hộ dân sống ở đây cũng bị tình trạng tương tự do nước sông bị ô nhiễm bất thường.
“Chỉ tính tiền thức ăn và tiền con giống thôi đã hơn 38 triệu đồng, lúc xảy ra sự việc thấy chính quyền địa phương đi thống kê cũng mừng lắm nhưng trông đợi mấy tháng rồi không thấy hỗ trợ gì hết. Tôi mới đi vay ngân hàng để nuôi lại” - người này bộc bạch.
Không có tiền hỗ trợ, người dân phải đi vay ngân hàng để thả nuôi lại. Ảnh: CHÂU ANH
Như PLO thông tin, cuối tháng 4-2019, nhiều hộ dân sống hai bên bờ sông cái Nước Đục rất lo lắng vì thủy sản của bà con nuôi cặp theo sông chết hàng loạt. Nguyên nhân của việc này được phỏng đoán là do nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã được bà con phản ánh với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng chưa được khắc phục triệt để.
Đến ngày 14-5, Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang đã có thông cáo báo chí xác nhận ban đầu về nguyên nhân của việc ô nhiễm và hướng giải quyết.
Kết quả xác minh bước đầu cho thấy nguồn nước sông và các kênh nhánh bị ô nhiễm hữu cơ bởi các nguồn thải dọc sông. Trong đó, nguyên nhân chính là từ hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty TNHH Mía đường, cồn Long Mỹ Phát.
Thủy sản chết hàng loạt do nguồn nước sông bị ô nhiễm hồi tháng 4-2019. Ảnh: CHÂU ANH
Từ đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh xem xét các hành vi vi phạm của đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định. Song song đó, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy.
Riêng đối với thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước mặt, tỉnh đã chỉ đạo thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ thống kê toàn diện thiệt hại. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ thành lập hội đồng chuyên môn xác định thiệt hại và có phương án giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật.