Vẫn chưa tuyên án phúc thẩm vụ 'bán con ở Trà Vinh'

(PLO)- Tại phiên tòa phúc thẩm vụ "bán con ở Trà Vinh", sau khi xem xét phần bào chữa của luật sư và đề nghị của VKS, sau khi nghị án, HĐXX quyết định sẽ tuyên án vào 23-9.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "bán con ở Trà Vinh".

Phiên tòa phúc thẩm được mở do bị cáo Thạch Thị Kim Nhung (người dân tộc Khmer, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) có đơn kháng cáo. Bị cáo Nhung bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Cũng tội danh này, chồng Nhung - bị cáo Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn - thì bị phạt 13 năm tù (nhưng Tuấn không kháng cáo).

bán con ở Trà Vinh
Phiên tòa phúc thẩm được xét xử công khai theo hình thức trực tuyến, với hai điểm cầu là TAND Cấp cao tại TP.HCM và TAND tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TRẦN LINH

Hai luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo là LS Phạm Văn Thọ có mặt để tham gia bào chữa cho bị cáo Nhung tại điểm cầu TAND tỉnh Trà Vinh. LS Hoàng Cao Sang tham gia bào chữa tại điểm cầu TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Tại phiên tòa, bị cáo Nhung khai: Sau khi sinh bé TN được 50 ngày tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, không chăm sóc được nên bị cáo có ý tìm gia đình khá giả nhận con nuôi.

Sau đó, Nguyễn Hữu Dương nhắn tin xin nhận nuôi con của bị cáo. Về việc nhận tiền là do Dương hỏi là "Có cần bồi dưỡng gì không". Bị cáo nói, nếu có thể thì bị cáo xin được bồi dưỡng là số tiền 20 triệu.

Khi được tòa hỏi lý do gì giảm 2 triệu, bị cáo trả lời: Lúc đó Dương nói xin lại 2 triệu để về lo sữa tã cho em bé.

Khi tòa hỏi bị cáo có nhận thức được việc nhận con nuôi phải cần điều kiện gì không, bị cáo trả lời là không biết về việc này.

Vị chủ tọa nói: Về mặt pháp luật, mình phải tìm hiểu để thu nhận kiến thức bằng mọi phương tiện, tại chính quyền địa phương. Việc nuôi con nuôi phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010, điều kiện nuôi và thẩm quyền nuôi con nuôi. Cũng như phải đăng ký nhận nuôi con nuôi tại UBND xã, phường, thế bị cáo có làm việc đó không?

"Dạ bị cáo không biết nên không làm, anh Dương nói là về giấy tờ thì anh sẽ lo", bị cáo Nhung trả lời.

Phát biểu quan điểm, VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nhung.

LS bào chữa cho bị cáo Nhung mong HĐXX xem xét lại mục đích của bị cáo là chỉ đơn giản là muốn tặng con cho người khác để có cuộc sống tốt hơn. Việc nhận tiền bồi dưỡng là do Nguyễn Hữu Dương gợi ý và tự đưa cho Nhung - Tuấn (chồng Nhung), chứ Nhung - Tuấn không đề cập đến chuyện tiền bạc.

Cạnh đó, LS dẫn Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của bộ luật hình sự: "...Mua bán trẻ em là mua hoặc bán trẻ em vì tư lợi, dù là mua của kẻ đã bắt trộm hoặc mua của chính người có con đem bán. Hành vi mua trẻ em khi biết rõ là đứa trẻ bị bắt trộm để về làm con nuôi, cũng bị xử lý về tội mua bán trẻ em. Tuy nhiên cần phân biệt với trường hợp bố mẹ vì đông con hoặc vì khó khăn đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và nhận một số tiền giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm con mà mua của chính người có con đem bán để về nuôi thì không coi là phạm tội".

Nói lời sau cùng, bị cáo Nhung mong tòa cấp phúc thẩm xem xét vì còn 3 đứa con nhỏ ở nhà. Sau khi nghị án, HĐXX quyết định chưa tuyên án ngay mà sẽ tuyên án vào ngày 23-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm