Văn chương và nhân cách Võ Hồng

Nhà văn Võ Hồng còn là một nhà giáo tâm huyết với nghề hơn 40 năm, qua nhiều thời kỳ vẫn vững vàng một tay cầm bút, một tay cầm phấn. Ông đã từng làm hiệu trưởng Trường Trung học Lương Văn Chánh ở tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Pháp. Văn chương và nhân cách Võ Hồng được nhiều thế hệ độc giả và học trò yêu quý, kính trọng…

 “Nhà văn tỉnh lẻ”

Tôi quen biết Võ Hồng từ năm 1972 khi nhà văn Duyên Anh tổ chức chiêu đãi Võ Hồng nhân dịp ông vào Sài Gòn tham dự cuộc họp của Hội đồng Văn hóa Giáo dục mà ông là thành viên. Duyên Anh gọi đùa Võ Hồng là “nhà văn tỉnh lẻ”, Võ Hồng vui vẻ bảo mình đích thực tỉnh lẻ. Trước đó ít lâu, Duyên Anh giận vợ, đi giang hồ vặt ra Nha Trang, Tuy Hòa rồi lên TP Đà Lạt. Ở Nha Trang, Duyên Anh được Võ Hồng tiếp đãi ân cần. Ngay cả các nhà văn, nhà thơ trẻ mới có một vài bài thơ, truyện ngắn đăng báo - hay những độc giả không quen biết khi đến thăm ông - Võ Hồng còn vui vẻ tiếp đãi, huống chi Duyên Anh.

Ấn tượng đầu tiên nơi tôi, một người mới tập tễnh bước vào làng văn làng báo, là nhà văn có nhiều tác phẩm mình yêu thích, Võ Hồng ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ như văn phong của ông. Trái hẳn với Duyên Anh “phổi bò ăn to nói lớn”, bên cạnh nhà văn thời thượng Mai Thảo phong thái ung dung, chậm rãi… Từ đó về sau, mỗi khi về quê miền Trung thế nào tôi cũng ghé thăm ông. Trước cổng nhà số 53 (sau đổi là 51) Hồng Bàng có sợi dây nối chiếc chuông cũ kỹ treo trên góc nhà và tấm bảng ghi “Kéo chuông gọi Võ Hồng” (về sau được sửa lại là “Nhấn chuông gọi Võ Hồng” vì đã có chuông điện). Ông sống một mình trong một căn phòng nhỏ trên căn gác, phía trước có khoảng sân thượng mà ông thường tiếp khách. Căn phòng thiếu bàn tay phụ nữ nên rất bừa bộn. Khách đến, bất cứ ai, không kể là người nổi tiếng, sang trọng hay nghèo khó, ông cũng tiếp đãi như nhau. Ông đi rửa tách, pha bình trà mới rót mời khách. Với khách lịch sự, Võ Hồng thường xưng hô “moa” - “toa”. Với khách thân quen, dạng em cháu, ông xưng “qua” và gọi “em”.

Tâm sự “gà trống nuôi con”

Khoảng năm 1985, một lần trên đường về Bình Định, tôi ghé thăm ông. Mải nói chuyện, lỡ chuyến xe, tôi ngủ lại nhà ông một đêm trên chiếc ghế xếp mà ông thường ngồi trầm ngâm mỗi chiều. Ông gần như thức với tôi trắng đêm, uống hết hai, ba bình trà. Ông tâm sự chuyện vợ ông mất sớm khi bà còn rất trẻ, ông một mình “gà trống nuôi con”. “Cái cảnh đó chắc em biết, vừa đi dạy học vừa lo con cái cực gấp đôi gấp ba người khác”...

Ông rất yêu vợ nên vẫn sống một mình từ khi vợ mất. Hình ảnh bà bàng bạc trong nhiều tác phẩm của ông như trong tập Hoài cố nhân hay nhân vật Quỳ trong hai truyện dài liên hoàn Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay… Hai truyện này lấy đề tài kháng chiến chống Pháp. Ông bảo viết về những người kháng chiến cũ phải viết thật tế nhị để không bị kiểm duyệt. Võ Hồng kể, thời trẻ ông có mộng đi du học Nhật, năm 1943 ông theo học lớp Nhật ngữ ở Trường ĐH Hà Nội. Cùng học với ông có bà Trần Văn Chương, mẹ vợ Ngô Đình Nhu, bà Hoàng Xuân Hãn… Rồi Nhật đảo chính Pháp, nhờ biết tiếng Nhật ông lên Đà Lạt làm phụ tá Tổng đốc Trần Văn Lý thuộc chính phủ Trần Trọng Kim, lo giao dịch với người Nhật. Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim đổ, kháng chiến bùng nổ, đồng minh giao cho quân đội Nhật trách nhiệm tạm giữ gìn trật tự trị an, ông lại được kháng chiến nhờ giao dịch với quân Nhật.

Võ Hồng kể lại một chuyện “ú tim”: Quân kháng chiến bắn chết một tên lính Nhật ở bên kia đầu cầu Phinom, quân Nhật dàn binh, kháng chiến quân còn rất mỏng, vũ khí thô sơ, thiếu thốn nên rất lo. Họ cử ông đi điều đình với quân Nhật. Ông bảo: “Thiệt tình khi đi thương lượng với đám quân Nhật đằng đằng sát khí, qua rất run. Em nhớ năm đó qua mới 24 tuổi!”.

Tôi hỏi ông: Con cái đã trưởng thành, ở cả nước ngoài, sao anh không đi bước nữa cho đời sống đỡ cô quạnh? Võ Hồng bảo cũng có lắm mối, có người do bạn bè, anh em giới thiệu. Nhà văn nữ Minh Quân, người em kết nghĩa của ông, có lần bảo tôi: “Ông già khó tính lắm, chị giới thiệu ổng mấy người nhưng ai cũng lắc đầu”. Tôi nói có lẽ vì ổng yêu vợ quá. Nhưng Võ Hồng bảo: Có lẽ mình chưa có duyên. Võ Hồng đưa tôi xem bài thơ viết tay của nữ sĩ Tương Phố, tác giả tập thơ Giọt lệ thu nổi tiếng thời tiền chiến, sau năm 1954 di cư vào TP Nha Trang, khá thân với Võ Hồng. Bài thơ thể song thất lục bát, đề tặng Võ Hồng năm 1963, trước khi bà lên sống ở Đà Lạt. Bài thơ có tựa Tặng Hồng lắm mối, có mấy câu: Đắn do mt khúc cu hoàng/ Bn phương chưa quyết ng sang hướng nào/ Thừa biết có đông đào tây liễu/ Bắc Nam đâu có thiếu nhạn hồng… / Trời còn để hôm nay/ Phòng loan hiu qunh có ngày oanh ca!. Thế nhưng đến mấy chục năm sau “phòng loan” của Võ Hồng vẫn quạnh hiu.

Một tâm hồn trong sáng

Năm 1991, tôi phụ trách tổ chức bài vở và thực hiện tuyển tập thơ văn Tuổi Hồng của Nhà xuất bản Trẻ. Một hôm, tôi nhận được thư Võ Hồng, kèm một tập bản thảo viết tay trên giấy mỏng, dạy trẻ con làm thơ với tựa Bé học làm thơ gồm 10 bài tập làm thơ vừa lạ vừa vui. Ông hỏi tôi có đăng được không. Tôi viết thư ngay cho ông và sau đó cho đăng làm 10 kỳ. Trong thư, tôi nhờ ông viết giúp một truyện vừa cho tuổi mới lớn. Tháng sau, ông gửi vào cho tôi truyện vừa viết về lứa tuổi học trò Thương mái trường xưa tuyệt hay. Tôi cho đăng liên tiếp nhiều kỳ trên Tuổi Hồng, được độc giả là nhà giáo lẫn các em học sinh tuổi mới lớn hoan nghênh đón đọc. Sau khi kết thúc đăng báo, tôi bàn với Lê Hoàng, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, in thành sách. Cả tập thơ Hồn nhiên tuổi ngọc với phần phụ lục là 10 bài Bé học làm thơ đã đăng trên Tuổi Hồng. Sau khi in, chúng tôi mang ra TP Nha Trang tổ chức phát hành rất trang trọng. Năm 1995, Võ Hồng viết thư cho tôi “khoe” Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tái bản cuốn Thương mái trường xưa với số lượng hơn 30.000 bản!

Năm 2007, tôi ra TP Nha Trang thăm Võ Hồng. Ông đã yếu nhiều. Ông vốn đã cao, gầy nay lại càng gầy và như cao hơn. Ông lục trong đống bản thảo, đưa tôi một tập bìa màu xanh có in ảnh ông lúc khoảng 50 tuổi với hàng chữ TẠ LÒNG TRI KỶ gồm những bài của nhiều người viết về ông đăng rải rác trên báo chí từ sau năm 1975 được ông photocopy và đóng tập. Ông bảo tôi: “Nếu được, em xin phép xuất bản giúp qua để tạ lòng tri kỷ”. Thời gian này tôi gặp nhiều chuyện không vui và rất khó khăn nên cứ lần lữa chưa in. Đó là điều ân hận lớn vì mãi đến khi Võ Hồng mất, tôi mới vội hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ cùng Công ty Văn hóa Hương Trang in tập sách với tựa do tôi chọn là Văn chương và Nhân cách Võ Hồng. Tôi mang sách ra Nha Trang đặt trên bàn thờ nhân 100 ngày mất của ông. Như một lời tạ lỗi.

Võ Hồng có truyện đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy từ năm 1939 nhưng mãi đến 1959, ông mới xuất bản tập truyện đầu tay Hoài cố nhân gồm những truyện viết về người vợ yêu quý của ông mất cách đó vài năm. Võ Hồng “gà trống nuôi con” cho đến khi các con trưởng thành, bay đi bốn phương trời, ông lại sống một mình với cây bút và những bản thảo, những cuốn sách cho đến hết đời. Từ sau năm 1975, hầu hết tác phẩm Võ Hồng đã được tái bản. Có thêm 14 đầu sách mới của ông được ấn hành. Nhưng theo lời Võ Hồng, số lớn trong đó được ông viết từ trước. Sau này ông chỉ sửa chữa và viết bổ sung. Chỉ có tập tâm bút Một bông hồng cho cha, tập truyện vừa Thương mái trường xưa và tập thơ Hồn nhiên tuổi ngọc là mới sáng tác sau này. Những tác phẩm quan trọng của ông cũng được in lại ở Mỹ, Pháp - nơi có đông người Việt sinh sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm