Rạng sáng 19-12, tàu hộ tống HTMS Sukhothai thuộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan bị sóng đánh chìm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Prachuap Khiri Khan, phía nam thủ đô Bangkok, theo tờ Bangkok Post. Tính đến tối 19-12, vẫn còn 31 thủy thủ mất tích. Hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ thủy thủ đoàn đang diễn ra khẩn trương.
|
Tàu HTMS Sukhothai bị sóng đánh lật nghiêng vào ngày 18-12. |
Diễn biến vụ đắm tàu
Theo phát ngôn viên Hải quân Hoàng gia Thái Lan Pogkrong Monthardpalin, tàu hộ tống HTMS Sukhothai gặp nạn khi đang tuần tra, hỗ trợ ngư dân cách huyện Bang Saphan, miền Trung Thái Lan khoảng 32 km.
Trước đó, các cơ quan khí tượng học đã cảnh báo sẽ có gió to làm biển động mạnh ở vịnh Thái Lan vào ngày này. Đến tối 18-12, tàu HTMS Sukhothai trong lúc làm nhiệm vụ đã gặp thời tiết bất lợi. Sóng to và gió mạnh làm đổ nghiêng tàu về mạn trái, nước tràn vào ống xả khiến hệ thống điện bị ngập, dẫn tới động cơ và máy bơm của tàu ngừng hoạt động. Đến rạng sáng 19-12, thủy thủ đoàn mất kiểm soát tàu và con tàu cuối cùng bị chìm.
Hải quân Hoàng gia Thái Lan nhận được tin báo đã điều động các tàu khu trục HTMS Bhumibol Adulyadej, HTMS Kraburi và tàu đổ bộ HTMS Angthong để hỗ trợ tàu HTMS Sukhothai nhưng chỉ có tàu Kraburi ở gần hơn và đến kịp trước khi con tàu bị chìm. Hai trực thăng cũng được điều động tới hiện trường.
Thời tiết xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác tìm kiếm, cứu hộ 31 thủy thủ còn mất tích.
Những hình ảnh do truyền thông đăng tải cho thấy con tàu nghiêng dần sang một bên, trong khi các thủy thủ mặc áo phao bám vào lan can chờ được giải cứu. Hình ảnh radar gây sốc cho thấy một nửa con tàu dài 76 m chìm dưới nước ở vị trí gần như thẳng đứng. Một đoạn clip khác cho thấy nhóm thủy thủ mặc áo phao màu đỏ ngồi trong một thuyền cứu hộ lớn màu đen chờ được giải cứu.
Hiện có 75 thủy thủ trên tàu HTMS Sukhothai đã được cứu hộ an toàn lên tàu Kraburi. 11 thủy thủ đang được chữa trị tại bệnh viện. Hải quân Hoàng gia Thái Lan phủ nhận thông tin từ một số phương tiện truyền thông địa phương rằng đã có một trường hợp tử nạn, khẳng định người tử vong là ở một tàu khác, không phải tàu HTMS Sukhothai.
Thời tiết xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác tìm kiếm, cứu hộ 31 thủy thủ còn mất tích. “Sóng vẫn còn cao và chúng tôi không thể tìm kiếm họ bằng các tàu trên biển. Thay vào đó, chúng tôi phải điều trực thăng và tìm kiếm họ từ trên cao. Lúc này mọi ưu tiên là đưa được các thủy thủ còn kẹt lại trở về nhà, con tàu chúng tôi sẽ trục vớt sau” - ông Pogkrong Monthardpalin cho hay.
Theo truyền thông Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đang theo dõi sát vụ việc và yêu cầu nhanh chóng đưa các thủy thủ còn mắc kẹt vào bờ an toàn.
Tàu chủ lực của Hải quân Hoàng gia Thái Lan
Theo trang tin của Học viện Hải chiến Mỹ USNI, HTMS Sukhothai là tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Ratanakosin, được công ty đóng tàu Tacoma (Mỹ - đã ngừng hoạt động) chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan và được đưa vào biên chế năm 1987. Tàu dài 77 m, rộng 9,5 m và có lượng giãn nước 960 tấn. Tàu đạt tốc độ tối đa 48 km/giờ và tầm hoạt động 5.600 km khi di chuyển với tốc độ hành trình 30 km/giờ. Thủy thủ đoàn thông thường gồm 15 sĩ quan và 72 thủy thủ.
Sau 35 năm hoạt động và trải qua nhiều đợt nâng cấp, vũ khí chính của HTMS Sukhothai tại thời điểm bị đắm là tám tên lửa diệt hạm RGM-84 Harpoon và bệ phóng tên lửa phòng không tầm trung Albatros. Tàu cũng được trang bị một pháo Otobreda cỡ nòng 76 mm, hai pháo Bofors 40 mm, hai pháo tự động Oerlikon GAM-B01 cỡ 20 mm và sáu ống phóng ngư lôi hạng nhẹ.
Hiện trong đội hình tác chiến trên biển của Thái Lan có bảy tàu hộ vệ, với tàu HTMS Sukhothai đóng vai trò dẫn đầu các nhóm tàu tấn công nhanh. Do đó, việc tàu bị đắm được xem là một tổn thất lớn cho năng lực quốc phòng của nước này. Đây cũng là vụ đắm tàu đầu tiên ở Thái Lan kể từ sau Thế chiến II - tức hơn 70 năm.•
Thái Lan tăng nỗ lực hiện đại hóa quân đội
Cổng thông tin chính thức của Cơ quan Thương mại quốc tế Mỹ (ITA) cho hay trong năm 2022, chính phủ Thái Lan đã dành ra hơn 1% GDP - tương đương khoảng 6,1 tỉ USD cho quốc phòng. Ước tính 49% ngân sách này được phân bổ cho Quân đội Hoàng gia Thái Lan, 20% khác được phân bổ cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan và 19% dành cho Không quân Hoàng gia Thái Lan. Số tiền còn lại được chuyển cho các cơ quan lãnh đạo quân đội và Viện Công nghệ quốc phòng Thái Lan (DTI).
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Thái Lan còn đặt ra kế hoạch cải cách và tái cơ cấu quân đội từ năm 2017 đến 2026, trong đó nhấn mạnh đến năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Kế hoạch cũng ưu tiên vào việc mua sắm, trang bị thêm đạn dược, vũ khí, phương tiện quân sự, máy bay huấn luyện vũ trang, tác chiến điện tử, radar phòng không và các thiết bị liên lạc mới. Quân đội Thái Lan cũng sẽ đầu tư mua thêm máy bay trực thăng, xe bọc thép và các phương tiện đa dụng dùng cho mục đích an ninh nội bộ và an ninh biên giới.