Vẫn còn lối thoát lớn cho xuất khẩu gạo

Thời gian qua, bức tranh xuất khẩu gạo Việt Nam trở nên xấu đi trước những nhận định bi quan hay có thể nói rất “dị” về các vấn đề rất cơ bản của thị trường lúa gạo thế giới. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu gạo.

Thế giới vẫn “ăn” gạo bình thường

Hiện nay có thông tin cho rằng thị trường gạo thế giới ở trong tình trạng cung vượt cầu khiến xuất khẩu gạo Việt Nam khó khăn. Thực tế chưa hẳn vậy.

Trước hết, thừa cung nghĩa là sản xuất tăng nhanh hơn tiêu dùng hoặc sản xuất không tăng trong khi tiêu dùng giảm, dẫn đến dự trữ lúa gạo tăng, giá gạo tất yếu giảm và các quốc gia xuất khẩu gạo đều “bí đầu ra”.

Thế nhưng thống kê và dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy 2013 sẽ là năm thứ ba liên tiếp thế giới được mùa, tổng sản lượng gạo đạt kỷ lục 470,2 triệu tấn, tăng 29,6 triệu tấn so với cách đây ba năm. Đồng thời, tiêu dùng gạo đạt 469,9 triệu tấn, tăng 31,7 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đó, nhu cầu nhập khẩu gạo năm 2013 sẽ đạt 38,6 triệu tấn, giảm hơn nửa triệu tấn so với năm 2012 nhưng tăng gần 6,7 triệu tấn so với ba năm trước.

Vẫn còn lối thoát lớn cho xuất khẩu gạo ảnh 1

Các nhóm lợi ích kêu khó để giá gạo trong nước tiếp tục giảm, từ đó họ giảm giá bán “bất thường” thu lợi cao và rồi chỉ có nông dân là chịu thiệt hại. Ảnh: www.iaea.org

Lại không ít ý kiến cho rằng xuất khẩu gạo Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn. Sức ép thì không thể vô hình mà phải là lực lượng vật chất cụ thể. Theo lẽ thông thường, đó là các đối thủ cạnh tranh có lượng gạo lớn với chất lượng và giá cả hấp dẫn, đủ để “hớt tay trên” khách hàng của chúng ta. Xét theo khía cạnh này thì sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu Việt Nam không thua kém bất kỳ đối thủ truyền thống nào.

Đầu tiên là Thái Lan, tuy có lượng gạo dự trữ khổng lồ nhưng bị siết chặt bởi “vòng kim cô” chính sách thế chấp lúa gạo, ngay như việc bán gạo 5% tấm với giá 569 USD/tấn (tháng 4) đã lỗ ít nhất 230 USD. Cho nên thật hoang đường khi lo sợ người Thái “bung hàng” khiến ta mất thị phần. Bởi lẽ về mặt đối nội, việc Thái Lan cho giá “rơi tự do” thêm hơn 100 USD nhằm cạnh tranh với gạo Việt Nam không khác gì thừa nhận chính sách đã đưa họ lên nắm quyền là sai lầm. Còn về đối ngoại, chắc chắn việc hạ giá gạo xuất khẩu thêm nữa sẽ dẫn đến phản ứng gay gắt của cộng đồng các quốc gia xuất khẩu gạo.

Do vậy, Thái Lan có thể tăng tốc xuất khẩu để đạt 8 triệu tấn như USDA dự báo hay không là điều mà chính Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan còn ngờ vực.

Còn với Ấn Độ - “người khổng lồ” Nam Á, có hai động thái chứng tỏ họ không thể tăng tốc xuất khẩu gạo như năm 2012. Bên cạnh việc tăng giá mua lúa nhằm bảo đảm thu nhập cho nông dân thì Luật An ninh lương thực, thực phẩm phê duyệt hồi tháng 3 khiến nước này cần tới 62 triệu tấn để trợ cấp cho 67% dân số. Đó là nguyên nhân khiến giá lương thực Ấn Độ tăng mạnh, kéo theo giá gạo xuất khẩu và hiện giá đã cao hơn gạo Việt Nam cùng loại tới 57 USD/tấn.

Cũng theo đánh giá của USDA, sản lượng gạo của Pakistan năm nay sẽ giảm 200.000 tấn nên giá gạo xuất khẩu cũng liên tục “bám đuổi”. Khoảng cách giá so với gạo cùng loại của Việt Nam cao hơn tới 42 USD/tấn.

Vẫn lạc quan

Một nhận định khác có phần vô lý là cho rằng gạo nước ta “giá rẻ nhưng không ai tìm đến”. Đặc biệt là sự lo ngại tình trạng hủy hợp đồng chưa từng có như vừa qua đồng nghĩa với việc mất khách khiến xuất khẩu trì trệ hơn.

Có hai căn cứ chủ yếu sau đây để phản bác sự lo ngại trên là thiếu cơ sở.

Thứ nhất, nhu cầu nhập gạo từ các bạn hàng chủ yếu năm nay vẫn rất lớn. Theo USDA, sau khi đạt kỷ lục nhập 2,9 triệu tấn gạo năm 2012, năm nay và cả năm 2014, Trung Quốc sẽ nhập đến 3 triệu tấn gạo mỗi năm. Điều kiện này cùng với việc tăng tốc độ nhập khẩu lên 2,42 lần trong quý I, rất có thể năm nay lượng gạo Trung Quốc nhập từ Việt Nam vượt kỷ lục hơn 2 triệu tấn năm 2012.

Trong khi đó, bạn hàng lớn thứ hai là Philippines không ít lần tuyên bố không phải nhập gạo nữa, thậm chí còn “rùm beng” việc xuất khẩu các loại gạo rất được giá. Nhưng USDA dự báo trong năm 2013, nước này phải nhập 1,5 triệu tấn gạo như năm 2012 và 2014 cũng thế. Nếu vậy, rất có thể quyết định nhập 187.000 tấn gạo đầu tháng 4 vừa qua, được “chữa thẹn” bằng lý do dự trữ quốc gia, chỉ là bước khởi động của Philippines. Do đó, đây tiếp tục là bạn hàng lớn thứ hai của gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, yếu tố rất quan trọng là nhu cầu từ hầu hết các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam trong năm qua như Malaysia, Senegal, Bờ Biển Ngà, Ghana, Singapore, Hong Kong… đều không thay đổi. Ngoại trừ nhu cầu của Indonesia có giảm khá mạnh nhưng vẫn thuộc nhóm dẫn đầu.

Thứ đến là tình trạng hủy hợp đồng hàng loạt. Nhiều khả năng những khách hàng này hủy hợp đồng cũ để ký lại hợp đồng khác với giá mềm hơn, thu lợi nhiều hơn. Vì nhu cầu nhập của họ không giảm và có lẽ họ không thể tìm đâu ra nguồn cung có giá rẻ hơn.

Tóm lại, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đầu năm 2013 có khó khăn nhưng sức cạnh tranh vẫn lớn và còn cơ hội gia tăng. Tình hình không hoàn toàn bi quan như những thông tin mà nhóm lợi ích nào đó tung ra. Mục đích của họ là kêu khó để giá gạo trong nước tiếp tục giảm, từ đó họ giảm giá bán để thu lợi nhiều và rồi chỉ có nông dân là gánh chịu thiệt hại.

Giá gạo Việt Nam giảm: Hiếm và bất thường!

Giá gạo thế giới từ đầu năm đến nay không hề hạ nhiệt, trái lại vẫn tăng. Số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) vừa công bố cho thấy chỉ số chung của giá gạo thế giới bốn tháng đầu năm 2013 đạt 241 điểm phần trăm, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2012. Vì thế, giá gạo của Việt Nam ở cùng thời gian này giảm 6,1% so với cùng kỳ là hiện tượng hiếm, mức giảm thấp như vậy là không tưởng. Đây là nghịch lý trong lúc giá thế giới tăng. Lưu ý rằng nếu giá gạo xuất khẩu giảm thì thương hiệu quốc gia cũng suy giảm.

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH (*)

(*) Chuyên gia về lúa gạo thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm