Chiều 23-4, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay trong năm 2018, thống kê cho thấy có 85 vụ với 137 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Brunei, tăng 28 vụ so với năm 2017.
Theo Tổng cục Thủy sản, tình hình này cũng chưa có biến chuyển đáng kể. Từ đầu năm tới nay, đã có 19 vụ tàu cá của các tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt…
Cụ thể, các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý là Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận… Trong đó Kiên Giang đứng đầu vi phạm với 50 vụ, chiếm gần 2/3 tổng số vụ việc của cả nước xảy ra trong năm 2018.
Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết bà con ngư dân chưa ý thức hết tính nghiêm trọng của hoạt động trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nhiều khi chỉ cần được thuê là sẵn sàng đi đánh bắt, dù ở bất cứ vùng biển nào. Không ít trường hợp, ngư dân bị nước ngoài bắt, phạt, trao trả tự do không lâu lại tiếp tục vi phạm.
Theo lý giải của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, tình hình sẽ khó cải thiện nếu các tỉnh không nghiêm khắc xử phạt với tàu cá đăng ký hoạt động ở phương mình. Và điều đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho sản xuất, chế biến hải sản, khi xuất khẩu sang châu Âu là hướng đi quan trọng của các doanh nghiệp thủy sản.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của châu Âu về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU).
Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị về chống khai thác IUU, thì nguy cơ cao Việt Nam sẽ bị chuyển từ “thẻ vàng” sang “thẻ đỏ”. Khi đó tất cả sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu từ Việt Nam sẽ bị cấm vào thị trường châu Âu.