Vấn đề đã được quy định trong luật thì án lệ còn giá trị không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-9, Trung tâm Trọng tài Mê Kông (MAC) phối hợp Công ty Luật Lê Hoàng và Khoa Luật – Đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chuyên đề Áp dụng án lệ trong hoạt động thực hành pháp luật.

Luật sư Lê Hoàng Nhí - Giám đốc Hệ thống Luật Lê Hoàng, Chủ tịch MAC cho biết việc áp dụng án lệ ngoài ý nghĩa giải thích một bản án cụ thể còn thiết lập ra một tiền lệ để xử những vụ án tương tự sau này. Do đó sẽ tạo bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau nhất, tiên lượng được kết quả của các vụ việc, tiết kiệm công sức của người tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng tạo ra sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên việc áp dụng án lệ hiện nay chưa phổ biến trong hoạt động thực hành pháp luật do một số yếu tố khách quan khác, vẫn còn nhiều yếu vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu và giải quyết.

Tại đây các đại biểu chia sẻ về kỹ năng áp dụng án lệ và những vấn đề liên quan khác cũng như vị trí của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. 

Các địa biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm.

Theo Luật sư Trần Hùng Dũng, nguyên Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, án lệ được áp dụng cho vụ việc đang giải quyết và án lệ phải có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau; vụ việc đang giải quyết và án lệ có sự tương đồng về vấn đề pháp lý. Tính đến nay, Chánh án TAND Tối cao đã công bố là 43 án lệ. Trong đó án lệ hình sự là 7, 23 án lệ dân sự và tố tụng dân sự, 9 án lệ kinh doanh thương mại, 1 án lệ lao động, 2 án lệ hành chính và 2 án lệ hôn nhân gia đình.

Tiến sĩ Cao Nhất Linh (Khoa Luật Đại học Cần Thơ) đặt ra vấn đề hiện tại một số trường hợp luật đã có quy định và hai vấn đề đều trùng khớp nhau nhưng tại sao vẫn có án lệ. Khi giải quyết vụ việc thì toàn ưu tiên áp dụng cái nào, trường hợp áp dụng luật, không áp dụng án lệ thì có cần phải giải thích trong bản án vì sao không áp dụng án lệ không. Cụ thể, là án lệ số 04 (việc biết mà không phản đối) hiện Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực có quy định rõ ràng thì án lệ có còn giá trị hay không.

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Lưu Tiến Dũng cho rằng Nghị quyết 04/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có quy định nếu do sự thay đổi pháp luật mà án lệ không còn phù hợp thì đương nhiên không còn giá trị. Đồng nghĩa với việc tự bản thân nó không còn giá trị chứ không cần ai tuyên bố. Đối với án lệ số 04 là áp dụng giải quyết những vụ việc xảy ra trước khi có Bộ luật Dân sự 2015.

Đồng quan điểm, thẩm phán Lê Thanh Vũ, Phó chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho rằng “Theo tiêu chí chọn án lệ có 3 tiêu chí trong đó quan trọng nhất là ý nghĩa thực tiễn. Thực tiễn có nhiều vụ việc Luật có quy định nhưng mỗi tòa án lại có phán quyết khác nhau, không đồng nhất về quan điểm giải quyết thì án lệ ra đời đi đến hướng giải quyết nhất quán. Hay có những vụ việc thực tế pháp luật cũng chưa quy định cụ thể.

Thực tế xét xử có nhiều vụ án tranh chấp phát sinh từ lâu, qua nhiều vòng tố tụng không thống nhất thì án lệ được áp dụng và áp dụng cho các tình huống tương tự theo đúng tinh thần của Nghị quyết 04. Bên cạnh đó, có nhiều vụ tranh chấp phát sinh trước khi có Bộ luật Dân sự 2015 và phù hợp với án lệ thì cũng không thể áp dụng luật hiện hành để giải quyết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm