Vận động giảm tiêu thụ thịt thú rừng tại ba nước Đông Dương

(PLO)- Việc khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người vì vậy cần truyền thông loại bỏ thói quen này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-10, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức họp báo ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị.

Chiến dịch được thực hiện tại ba nước đông dương - Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại Việt Nam, WWF phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam phát động và thực hiện chiến dịch này.

Phát biểu tại họp báo, TS. Văn Ngọc Thịnh, CEO WWF-Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong số các nước có mức độ tiêu thụ động vật hoang dã cao.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị. Ảnh: AH

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị. Ảnh: AH

Theo ông Thịnh, việc khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã bao gồm săn bắn, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi, giết mổ và tiêu dùng. Mỗi mắt xích trong quá trình này đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, đặc biệt khi con người tương tác với các loài có nguy có cao lây truyền bệnh có thể gây ra ổ dịch, đại dịch.

Đơn cử như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), cúm lợn (H1N1), cúm gia cầm (H5N1), COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ đều là các bệnh lây truyền từ động vật, có nghĩa là chúng được truyền từ động vật sang người.

Theo các chuyên gia, động vật không phải là nguyên nhân gây ra những đợt bùng phát này, trên thực tế, nếu như chúng sống trong môi trường tự nhiên thì hầu hết các mầm bệnh chúng mang theo khó có thể đe doạ tới con người.

Nguyên nhân là do các hoạt động xâm lấn của con người vào những nơi hoang dã, dẫn đến sự tiếp xúc gần giữa các loài hoang dã và con người. Các hành vi đặc biệt nguy hiểm và có rủi ro cao là săn bắt trộm, vận chuyển, buôn bán, chế biến và ăn thịt động vật hoang dã.

“Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta cơ hội nhìn nhận lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước tiềm tàng của một cuộc khủng hoảng kép: cuộc khủng hoảng đối với sức khỏe con người cuộc khủng hoảng đối với thiên nhiên” – ông Thịnh nói.

Một nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm